Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 10
  • Hôm nay: 69
  • Trong tuần: 6 105
  • Tất cả: 1383717
Phù chân khi mang thai có nguy hiểm không?


         Phù chân là hiện tượng sinh lý bình thường ở thai phụ, có thể xuất hiện ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, nhưng nhiều nhất vẫn là 3 tháng cuối.

  Nguyên nhân gây phù chân ở phụ nữ mang thai?

- Trong quá trình mang thai, cơ thể người mẹ sẽ sản xuất lượng máu và chất lỏng nhiều hơn 50% so với bình thường nhằm giúp nuôi dưỡng thai nhi. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây phù nề ở phụ nữ mang thai.

- Khi thai càng lớn, tử cung của bạn cũng sẽ lớn hơn, gây nên áp lực, chèn lên tĩnh mạch chủ dưới, đây là những tĩnh mạch có nhiệm vụ bơm máu từ chi dưới về tim, khi sức ép càng lớn thì máu sẽ dồn nhiều ở chân, gây hiện tượng phù, nhất là vị trị bàn chân, mắt cá.

- Sự thay đổi hormon trong thai kỳ cũng đóng vai trò quan trọng gây nên hiện tượng phù. Hormon trong cơ thể bạn thay đổi khiến cho thành mạch trở nên mềm hơn, điều này gây khó khăn cho tĩnh mạch trong quá trình vận chuyển máu từ chi dưới về tim.

- Một số sản phụ có tiền sử bệnh viêm tĩnh mạch, phản ứng với dị ứng, tiền sản giật, thần kinh bị rối loạn hay việc lạm dụng thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu, ma túy cũng gặp tình trạng này.

- Ngoài ra, một số nguyên nhân phổ biến khác gây chứng phù chân khi mang thai như: đứng quá lâu, thường xuyên mang giày cao gót, làm việc nặng nhọc, chế độ ăn nhiều Natri, thiếu Kali, thời tiết nắng nóng.

Dấu hiệu phù chân khi mang thai sinh lý

Nếu như mẹ bầu nhận thấy mình bị phù ở bàn chân, bắp chân, mắt cá chân hoặc ở tay thì mẹ bầu hãy yên tâm, vì đây là những dấu hiệu bình thường và phổ biến trong thai kỳ. Với những trường hợp này, mẹ chỉ cần nghỉ ngơi và uống đủ nước, tình trạng sưng phù sẽ thuyên giảm.     

Dấu hiệu phù chân khi mang thai bệnh lý

Lý do mà các mẹ cần chú ý quan sát hiện tượng sưng phù của mình vì đây là một trong những dấu hiệu của chứng tiền sản giật khi mang thai - biến chứng nguy hiểm hàng đầu trong thai kỳ, có thể gây tử vong cho cả mẹ lẫn thai nhi. Do đó, mẹ cần hết sức đề phòng khi “rơi” vào những trường hợp sau đây:

- Những mẹ bầu có tiền sử bệnh tim hoặc những vấn đề liên quan đến thận hoặc nếu chế độ của mẹ không có đủ các chất dinh dưỡng thì chứng phù nề cũng có thể xuất hiện. Lúc này, chúng sẽ “kéo” đến sớm hơn chứ không đợi đến lúc bụng mẹ to lên và mẹ có thể bị sưng ở chân, mặt hoặc tay.

- Thai phụ bị sưng phù lâu ngày, dù đã nghỉ ngơi mà vẫn không giảm bớt, thậm chí kèm theo đau đầu, rối loạn thị giác, mờ mắt, đau bụng thì đây là dấu hiệu báo nguy và nếu đến giai đoạn này, mẹ bầu lẫn thai nhi đang được đặt ở tình trạng khẩn cấp, do đó mẹ bầu cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Phù bệnh lý khiến thai phụ có nguy cơ phải đối mặt với chứng tiền sản giật, thường xuất hiện vào tuần thai thứ 20, gồm có cao huyết áp, phù nề và nước tiểu có đạm, hoặc bệnh thận (phổ biến nhất là hội chứng thận hư). Đồng thời, tình trạng này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi và có thể làm suy thai hoặc sinh non.

Cần khám ngay khi có các biểu hiện sau:

- Phù qua vài đêm, dù đã nghỉ ngơi mà vẫn không giảm bớt;

- Phù nặng đến tay, mặt hay các bộ phận khác của cơ thể;

- Phù kèm theo đau đầu, rối loạn thị giác, mờ mắt, đau bụng.

Các biện pháp cải thiện tình trạng phù chân

- Không nên đứng quá lâu, hãy dành thời gian cho đôi chân nghỉ ngơi, thư giãn.

- Thai phụ nên nằm nghiêng sang trái để tử cung không chèn vào động mạch chủ và các tĩnh mạch ở khung chậu, khi nghỉ ngơi nên gác chân lên cao.

 Ngoài ra bạn có thể áp dụng một số bài thuốc y học cổ truyền như đun sôi râu ngô với một vài cốc nước, dùng để uống hàng ngày. Hoặc cũng có thể uống nhiều nước.

- Dùng nước ấm để ngâm chân khoảng 10-15 phút, cũng là một cách giúp chân thư giãn hữu hiệu, có khả năng làm giảm sưng phù.

- Tập thể dục đều đặn, nên lựa chon môn thể dục thích hợp cho bà bầu như yoga giúp máu lưu thông một cách dễ dàng.

- Thực hiện các động tác mát xa cho đôi bàn chân như xoay bàn chân. Cách thức thực hiện: xoay tròn cổ chân theo một vòng tròn lớn và gập bàn chân lại, tiếp theo là xoay từng ngón chân theo chiều kim đồng hồ, sau đó đổi chân. Nên tập đều đặn mỗi ngày 2 - 3 lần, mỗi lần trong 10 phút. Hoặc chỉ cần nằm dài ra trên đệm hay sàn nhà, từ từ nâng từng chân một lên cao, rồi lại hạ xuống đổi chân.

 

- Cần tuân thủ theo một chế độ ăn uống cân bằng và khoa học. Ăn nhiều rau xanh như cải bắp, rau ngót... và các loại hoa quả, trái cây. Khuyến khích ăn nhiều các loại thực phẩm có chứa nhiều vitamin, canxi, và kẽm. Không ăn các loại thực phẩm hay món ăn có chứa lượng lớn muối. Nên hạn chế các loại đồ uống có chứa cafein và cồn, bởi chúng không chỉ là những loại đồ uống gây hại cho thai nhi, mà còn gây nên chứng phù nề ở cơ thể thai phụ.


- Thai phụ nên chọn đi những loại giày dép thoải mái, có thể hở rộng một chút, đế thấp. Khi có điều kiện nên tháo giày dép để tạo cho chân cảm giác thoải mái, máu dễ dàng lưu thông vì mang giày hay dép quá chật chính là lý do gây phù nề đôi bàn chân hay nguy hiểm hơn còn là nguyên nhân gây nên chứng viêm tấy kẽ chân, chai, sần ngón chân.


- Đối với thai phụ có tiền sử các bệnh mãn tính như tim, thận, tăng huyết áp thì phù chân là rất nguy hiểm cho cả mẹ và con. Cần chú ý: Nếu bị sưng phù lâu ngày, dù đã nghỉ ngơi mà vẫn không giảm bớt, thậm chí kèm theo một số các triệu chứng như: đau đầu, khó chịu, mệt mỏi, rối loạn thị giác, mờ mắt, đau bụng thì tình hình trở nên rất nguy hiểm và bạn phải tới gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

HS Đinh Thị Hoài – K.Sản

Đinh Thị Hoài
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image