Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 147
  • Trong tuần: 6 183
  • Tất cả: 1383795
Sàng lọc ung thư cổ tử cung

Hiện nay ung thư cổ cung (UTCTC) là một trong những bệnh ung thư phổ biến hàng đầu trong các loại ung thư đường sinh dục của phụ nữ, là loại ung thư sinh dục thường gặp và gây tử vong nhiều trên thế giới, đặc bệt là ở các nước đang phát triển. Mỗi năm, có thêm nhiều phụ nữ bị ung thư cổ tử cung và có nhiều trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Ung thư cổ tử cung đang là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe và tính mạng của phụ nữ trên toàn cầu trong khi đó căn bệnh này có thể phòng ngừa và điều trị khi được phát hiện sớm.

Hình ảnh Internet

1. Nguyên nhân gây Ung thư cổ tử cung?

Human papillomavirus (HPV) là nguyên nhân chủ yếu của UTCTC, tác nhân truyền qua đường tình dục. Hiện nay phát hiện có hơn 200 loại HPV, trong đó có hơn 30 loại có ái tính với đường sinh dục.

Người ta chia HPV sinh dục thành hai nhóm:

- Nhóm nguy cơ thấp (thường gặp là type 16 và 11) gây nên condyloma sinh dục.

- Nhóm nguy cơ cao (có 14 type, các type thường gặp nhất là 16, 18, 31, 33, 45) đặc biệt type 16,18 chịu trách nhiệm khoảng 90% gây UTCTC.

Khi ta bị nhiễm HPV, chúng sẽ tích hợp vào trong các tế bào của biểu mô cổ tử cung sau đó với quá trình phát triển gây sang tổn thương tế bào, từ đó phát triển thành các tế bào ung thư. Tuy nhiên, không phải ai nhiễm HPV cũng bị UTCTC. 80% các trường hợp chỉ là nhiễm thoáng qua, không có triệu chứng và không cần điều trị, phần lớn sau 8 tháng sẽ tự đào thải khỏi cơ thể, 30% kéo dài khoảng 12 tháng và 9% kéo dài đến 2 năm và có dưới 5 % tiến triển thành tổn thương nội biểu mô vảy mức độ cao (CIN2) hoặc nặng hơn trong 3 năm. Nhiễm HPV mạn tính thường gặp ở phụ nữ lớn tuổi. Hiện tượng tái nhiễm và nhiễm thêm các type HPV khác cũng thường gặp và để lý giải cho sự đào thải này là do sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể với HPV và nguy cơ gây UTCTC của type HPV bị nhiễm.

 

2. Các yếu tố nguy cơ của nhiễm HPV

- Quan hệ tình dục sớm.

- Quan hệ tình dục với nhiều người.

- Sinh nhiều con.

- Vệ sinh sinh dục không đúng cách.

- Viêm cổ tử cung mạn tính, nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục.

- Điều kiện dinh dưỡng, kinh tế xã hội thấp.

- Hút thuốc lá, đái tháo đường, sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết kéo dài mà không được kiểm tra định kỳ hàng năm ( > 10 năm), suy giảm miễn dịch.

3. Dự phòng ung thư cổ tử cung thế nào?

- Dự phòng chủ động cấp 1: là tiêm phòng vaccine HPV, hiện nay có hai loại vaccine đang được lưu hành là CervarixTM và GardasilTM.

Phác đồ CDC (phác đồ khuyến cáo của quốc tế) tiêm phòng vaccine:

 

Các bác sỹ khuyến cáo chủng ngừa HPV cho tất cả trẻ em 11-12 tuổi (độ tuổi trước khi quan hệ tình dục lần đầu) để đạt hiệu quả phòng ngừa tốt nhất. CDC khuyến cáo tiêm hai liều vắc-xin HPV cho tất cả thanh thiếu niên ở tuổi 11 hoặc 12 tuổi.

- Dự phòng cấp 2: sàng lọc và phát hiện sớm các tổn thương tân sản nội biểu mô cổ tử cung và xử trí phù hợp.

Các phương pháp được dùng trong sàng lọc các tổn thương tiền ung thư và ung thư cổ tử cung bao gồm.

  

 

Xét nghiệm tế bào cổ tử cung

 

Xét nghiệm HPV

Soi cổ tử cung

- Dự phòng cấp 3: phát hiện các trường hợp ung thư xấm lấn ở giai đoạn sớm và điều trị tại các cơ sở có điều kiện và tùy theo từng mức độ tổn thương mà lựa chọn các biện pháp điều trị thích hợp.

 

Bệnh nhân 35t, giải phẫu bệnh: loạn sản nặng biểu mô vảy (HSIL), nhiễm HPV16 9 9


 
Bệnh nhân 20 tuổi, giải phẫu bệnh: loạn sản nặng biểu mô vảy (HSIL), nhiễm HPV16 ;

3. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự tồn lưu và đào thải HPV

- Cấu trúc biểu mô cổ tử cung: nên điều trị các tình trạng viêm lộ tuyến cổ tử cung, phục hồi biểu mô lát cổ tử cung đảm bảo được biểu mô tốt che phủ tốt.

- Hệ vi khuân âm đạo: Rối loạn hệ vi khuẩn âm đạo tạo điều kiện cho virut HPV xâm nhập, trong đó vi khuẩn lactobacillus là vi khuẩn quan trọng vừa có tác dụng chống viêm vừa tác dụng ngăn cản HPV phát triển vì vậy bình ổn hệ vi sinh trong âm đạo góp phần bảo vệ biểu mô âm đạo và chống HPV.

- Hệ miễn dịch tại chỗ: Những yếu tố làm giảm miễn dịch tế bào như ghép thận, nhiễm HIV....tạo điều kiện thuận lợi cho HPV phát triển.

4. Những đối tượng nên làm sàng lọc ung thư cổ tử cung

Theo “Hướng dẫn dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung” của Bộ Y tế Việt Nam 2019:

- Phụ nữ >= 21 tuổi, đã quan hệ tình dục nên làm xét nghiệm tế bào cổ tử cung.

- Phụ nữ >=25 tuổi, đã quan hệ tình dục nên làm xét nghiệm HPV.

- Phụ nữ >= 30 tuổi, đã quan hệ tình dục nên làm co-testing (xét nghiệm tế bào + HPV).

Ung thư cổ tử cung là bệnh nguy hiểm nhưng nếu được phát hiện sớm và xử trí kịp thời, có thể gần như điều trị khỏi hoàn toàn, qua đó có thể làm giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Do khoảng thời gian hình thành và tồn tại tổn thương tiền ung thư ở cổ tử cung tương đối dài, yếu tố nguyên nhân, yếu tố nguy cơ đã được xác định, mặt khác cổ tử cung là bộ phận có thể tiếp cận trực tiếp để quan sát, thăm khám, lấy bệnh phẩm và thực hiện các can thiệp điều trị nên đại đa số các trường hợp UTCTC có thể được phòng ngừa bằng cách sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị các thương tổn tiền ung thư.

Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai với đội ngũ bác sỹ chuyên khoa được đào tạo bài bản, chuyên sâu, giàu kinh nghiệm cùng hệ thống máy móc trang thiết bị hiện đại cung cấp toàn diện các dịch vụ khám điều trị các bệnh phụ khoa cũng như sàng lọc UTCTC. Nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán và cập nhật kỹ thuật mới, ngoài thực hiện xét nghiệm tế bào cổ tử cung PAP SMEAR truyền thống bệnh viện còn xét nghiệm tế bào cổ tử cung bằng phương pháp THINPREP đánh giá tế bào cổ tử cung có độ nhạy và độ đặc hiệu cao trong việc phát hiện các tế bào bất thường các tế bào tiền ung thư. Soi cổ tử cung để để đánh giá các tổn thương tại cổ tử cung; xét nghệm HPV định type từng phần đánh giá nguy cơ ung thư cổ tử cung. Đồng thời để phòng ngừa  UTCTC bệnh viện đã tích cực tuyên truyền và triển khai tiêm vaccine phòng virus HPV.

Lời khuyên cho các chị em phụ nữ nên khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần, đặc biệt là phụ nữ trên 30 tuổi nên sàng lọc ung thư cổ tử cung. Mỗi chúng ta hãy tự biết chăm sóc và quan tâm nhiều hơn đến chính sức khỏe bản thân mình vì sức khỏe là vốn quý không gì có thể đổi lại.

 

Hình ảnh Internet

 

BS. Nguyễn Thị Bích Tuyết – K. Sản
Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image