Vaccin COVID-19 AstraZeneca là vaccin phòng bệnh do virus SARS-CoV-2 (COVID-19). Đây là vaccin của hãng AstraZeneca được nghiên cứu và phát triển bởi đại học Oxford và được WHO thông qua chấp thuận sử dụng vào ngày 15/2/2021. Thành phần vaccin gồm vector Adenovirus tinh tinh tái tổ hợp và mất khả năng sao chép, gắn gen tổng hợp protein gai bề mặt của virus SARS-CoV2 có tên là Spike (S Protein).
Theo nghiên cứu lâm sàng, hiệu lực của vaccin AstraZeneca bảo vệ trước tác nhân gây bệnh COVID-19 từ 62-90%.
1. Những chú ý khi tiêm vaccin AstraZeneca
- Được tiêm phòng cho người từ 18 tuổi trở lên.
- Lịch tiêm gồm 02 mũi, mũi 2 cách mũi 1 từ 4-12 tuần.
2.Chỉ định tiêm cho một số nhóm đối tượng đặc biệt:
+ Nhóm người từ 65 tuổi trở lên: Đây là nhóm người có nguy cơ mắc COVID 19 nặng và tử vong tỷ lệ thuận với tuổi nên được xác định là nhóm đối tượng có nguy cơ. Tuy nhiên dữ liệu an toàn và hiệu quả của vaccin trên người từ 65 tuổi trở lên còn hạn chế.
+ Nhóm người mắc bệnh nền: Đây là nhóm có nguy cơ nhiễm và mắc COVID-19 nặng. Tuy nhiên tiêm vaccin khi bệnh đã ổn định.
+ Với phụ nữ mang thai: Khuyến cáo tiêm nếu lợi ích của tiêm phòng vượt trội hơn các rủi ro tiềm ẩn của vaccin
+ Với phụ nữ cho con bú: Tiêm phòng nếu thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ như nhân viên y tế. Lưu ý không cần tạm ngừng cho trẻ bú sau tiêm vaccin.
+ Nhóm người bị HIV: Có thể tiêm vaccin nếu đối tượng thuộc nhóm nguy cơ phơi nhiễm hoặc nguy cơ mắc bệnh nặng. Nhưng cần cân nhắc đánh giá giữa lợi ích và nguy cơ đối với từng cá nhân (không cần xét nghiệm HIV trước khi tiêm).
+ Nhóm người bị suy giảm miễn dịch: Có thể tiêm nếu thuộc nhóm nguy cơ, tuy nhiên các thông tin, hồ sơ về suy giảm miễn dịch cần được cung cấp cho nhân viên y tế để được tư vấn về lợi ích và rủi ro cũng như theo dõi, đánh giá sau tiêm chủng.
+ Nhóm người bị nhiễm SARS-CoV-2 trước đó: Có triệu chứng hay không có triệu chứng đều có thể tiêm vaccin sau 6 tháng khỏi bệnh.
+ Nhóm người mắc COVID-19 cấp tính: Không tiêm chủng cho những người đang mắc bệnh. Những người này có thể được chỉ định tiêm sau 6 tháng khỏi bệnh.
+ Nhóm người có tiền sử sử dụng kháng thể kháng COVID-19 điều trị trước đó: Khuyến cáo tiêm ít nhất sau 90 ngày điều trị kháng thể kháng COVID-19.
3. Chống chỉ định với tiêm phòng vaccin Astra Zeneca:
+ Có tiền sử phản ứng nặng nề sau lần tiêm chủng vaccin COVID-19 trước đó sẽ không tiêm liều thứ 2.
+ Quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào có trong thành phần của vaccin sau đây: L-Histidine; L-Histidine hydroclorid monohydrate; Magie clorua hexahydrat; Polysorbate 80; Etanol; Sucrose; Natri clorua; Dinatri edetat dihydrat.
4. Tiêm chủng vaccin COVID-19 cùng các vaccin khác:
Tiêm vaccin phòng Covid-19 tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai
Chưa có đầy đủ dữ liệu về khả năng sử dụng thay thế cho nhau của vaccin COVID-19 AstraZeneca với vaccin phòng COVID-19 khác.
Nên tiêm vaccin phòng COVID-19 tối thiểu cách 14 ngày với tiêm chủng các vaccin phòng bệnh khác.
5. Phản ứng sau tiêm chủng.
Phản ứng rất phổ biến (≥) như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, đau, nóng tại vị trí tiêm, mệt mỏi, bồn chồn, ớn lạnh, sốt (rất phổ biến là sốt nhẹ và phổ biến sốt >38 độ C).
Phản ứng phổ biến (1-10%) sưng và đỏ tại vị trí tiêm.
Các phản ứng ít gặp bao gồm chóng mặt, đau bụng, sưng hạch, vã mồ hôi, ngứa, phát ban. Phản ứng nặng sau tiêm vaccin là rất hiếm gặp.
Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai đã tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho hơn 440 đối tượng là nhân viên làm việc tại cơ sở y tế; Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp; người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ Covid cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...
BSCKI. Hoàng Tùng – Phụ trách Khoa Truyền nhiễm.