Sốt là phản ứng của cơ thể khi bị nhiễm virus, vi khuẩn, nhiễm ký sinh trùng, các bệnh tự miễn hoặc các bệnh lý ác tính... Nếu sốt không không gây khó chịu thì trẻ sẽ hết sốt tự nhiên và phần lớn các bệnh nhiễm trùng tình trạng sốt sẽ hết nhanh chóng.
Khi nào trẻ được coi là sốt?
Khi nhiệt độ cơ thể trẻ trên 37,5 độ C được xác định là sốt. Nhiệt độ từ 37,5 độ C đến 38 độ C được cho là sốt nhẹ, từ 38 độ C đến 39 độ C là sốt vừa, từ 39 độ C đến 40 độ C là sốt cao, trên 40 độ C là sốt rất cao.
Cha mẹ không nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ dưới 38,5 độ. Khi trẻ sốt nhẹ ở mức 37,5-38,5 độ C chỉ cần cởi bớt quần áo, cho bé uống nhiều nước hoặc bú mẹ nhiều hơn.
Sốt cao co giật là tình huống thường gặp ở trẻ em từ 6 tháng đến 6 tuổi do não bộ của trẻ chưa phát triển toàn diện nên có những phản ứng nhạy cảm với các rối loạn của nhiệt độ cơ thể. Sốt co giật ở trẻ thường lành tính không gây bất cứ tổn hại nào cho não của trẻ và thường biến mất sau vài chục giây. Co giật do sốt cao thông thường không gây hại não.
Dấu hiệu của trẻ bị co giật do sốt cao
ü Chân tay trẻ cứng lại, sau đó co giật, hai mắt trợn ngược;
ü Ngừng thở trong vài giây, nôn, tiểu tiện và đại tiện không tự chủ;
ü Sau cơn co giật trẻ thường rất buồn ngủ;
ü Trẻ có sự nhầm lẫn, mơ màng sau khi co giật nhưng sẽ phục hồi lại trạng thái bình thường trong vòng 1 tiếng.
Cách xử trí sốt cao co giật ở trẻ em
Nhiều phụ huynh luống cuống, bối rối không biết phải xử trí sốt cao cao giật ở trẻ em như thế nào là đúng nên trong nhiều tình huống vô tình gây tổn thương cho trẻ. Dưới đây là một số hướng dẫn cha mẹ nên làm khi trẻ bị co giật.
Bước 1: Làm thông đường thở cho trẻ
Khi thấy trẻ bị co giật do sốt cao, cha mẹ trẻ cần hết sức bình tĩnh, đặt trẻ nằm nghiêng, không gập đầu để trẻ có thể thở tốt. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý tuyệt đối không giữ chặt trẻ, không đưa bất kỳ vật gì kể cả chất lỏng vào miệng trẻ, tính thời gian co giật của trẻ và ghi nhớ các biểu hiện co giật của trẻ.
Bước 2: Dùng thuốc hạ sốt
Dùng thuốc hạ sốt Paracetamol liều 10 – 15 mg/kg/lần cho trẻ qua đường đặt hậu môn. Nếu trẻ uống được thì có thể cho trẻ uống nhưng đề phòng trẻ bị sặc rất nguy hiểm.
Bước 3: Làm mát cơ thể trẻ để hạ sốt
* Dùng khăn đã nhúng nước ấm để đặt ở nách, bẹn và sau mang tai của trẻ.
* Thay khăn ấm mới sau mỗi 2-3 phút và ngừng khi nhiệt độ nách của trẻ dưới 37,5 độ C.
* Đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguồn hình ảnh Internet
Cách phòng cơn co giật khi trẻ bị sốt
Sốt co giật ở trẻ em rất dễ tái phát, tuy nhiên, nếu biết cách xử lý ngay khi trẻ bị sốt thì sẽ phòng tránh được các cơn co giật xảy ra ở trẻ. Dưới đây là một số cách phòng tránh cơn co giật khi trẻ bị sốt.
* Đưa trẻ đi khám ngay khi trẻ bị sốt để biết nguyên nhân và cách phòng tránh các cơn co giật;
* Cần cho trẻ uống nhiều nước hoặc các chất điện giải bù nước khi bị sốt;
* Cho trẻ mặc quần áo nhẹ, thoáng, không ủ ấm trẻ;
* Thường xuyên theo dõi nhiệt độ cơ thể của trẻ bằng nhiệt kế;
* Lau người cho trẻ bằng nước ấm để hạ sốt
* Khi trẻ bị co giật do sốt cao thì cha mẹ phải hết sức bình tĩnh để chăm sóc trẻ đúng cách và sau khi hết cơn co giật phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị sớm.
Sốt có thể là những triệu chứng của các bệnh nguy hiểm, bởi vậy, khi bé bị sốt cao kéo dài cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được các bác sĩ khám, chẩn đoán và điều trị sớm./.