Hầu hết trẻ sơ sinh có thể nghe bình thường, tuy nhiên vẫn có 1-3 bé trong số 1000 bé bị giảm thính lực. Nếu không xét nghiệm sàng lọc khiếm thính cho trẻ sơ sinh, sẽ rất khó để phát hiện tình trạng mất thính lực trong những năm đầu đời của trẻ.
Sàng lọc thính lực là gì?
Sàng lọc khiếm thính là phương pháp sử dụng máy để đo âm ốc tai (OAE) cho trẻ sơ sinh đây là phương pháp có giá trị để đánh giá chức năng của ốc tai. Phương pháp này hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức nghe hay tai hay sức khỏe của trẻ và không gây đau đớn cho trẻ.
Thời gian thực hiện sàng lọc
Thông thường sàng lọc khiếm thính cho trẻ sơ sinh được thực hiện trước khi xuất viện, thời gian phù hợp nhất thì xét nghiệm nên được thực hiện trong 4 đến 5 tuần đầu tiên, nhưng có thể trong vòng 3 tháng tuổi.
Nếu kết quả sàng lọc “không như ý”, bố mẹ có thể làm gì?
Nếu kết quả sàng lọc thính lực ghi nhận không đạt yêu cầu trong lần đo đầu tiên, bố mẹ sẽ được hướng dẫn để đưa con đi sàng lọc lại lần thứ 2 sau 12 giờ hoặc trước khi xuất viện.
- Nếu lần thứ 2 kết quả vẫn không đạt, bố mẹ sẽ được hướng dẫn để đưa trẻ đi khám và đánh giá lại tại cơ sở chuyên khoa về thính lực trẻ em để được chẩn đoán xác định và tư vấn.
- Bố mẹ hãy bình tĩnh khi nhận được kết quả “không như ý” như trên vì một số lý do khách quan sau:
+ Trẻ quấy khóc khi làm sàng lọc sẽ gây nhiễu cho thiết bị đo;
+ Môi trường đo có nhiều tiếng động cũng gây nhiễu;
+ Bên trong tai của trẻ có dịch hoặc chất bẩn như chất gây hoặc máu còn sót lại từ trong cuộc vượt cạn.
Tầm quan trọng của việc sàng lọc thính lực cho trẻ sơ sinh
- Sàng lọc khiếm thính cho trẻ sơ sinh giúp phát hiện từ rất sớm những trẻ có vấn đề về thính giác để kịp thời can thiệp, điều này có ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển ngôn ngữ và khả năng nói của trẻ trong những năm đầu đời của trẻ.
- Trẻ bị suy giảm thính lực nếu không được phát hiện và can thiệp sớm (tốt nhất là trước 2 tuổi) sẽ không thể phục hồi ngôn ngữ như trẻ bình thường. Vì vậy sàng lọc nghe kém sớm là vô cùng cần thiết đối với quá trình phát triển của trẻ.
- Nếu trẻ được phát hiện mất thính lực muộn (từ 2 – 3 tuổi) có thể gặp khó khăn trong phát âm, phát triển ngôn ngữ và nhận thức so với các trẻ bình thường, có thể phải gánh chịu những khuyết tật vĩnh viễn như bị câm, điếc, không thể sửa chữa được về khả năng phát âm, phát triển ngôn ngữ và nhận thức.
- Hầu hết các trường hợp mất thính lực vĩnh viễn là do sự phá hủy hoặc mất chức năng của thần kinh thính giác dẫn truyền tín hiệu âm thanh từ tai trong tới não. Tuy nhiên, chỉ khoảng một nửa trong số đó là có thể xác định được nguyên nhân, trong đó khoảng 50% là các lý do mắc phải trong quá trình mang thai và sinh đẻ và khoảng một nửa còn lại là do các nguyên nhân có yếu tố di truyền.
Các yếu tố gây nguy cơ mất thính lực ở trẻ
- Bà mẹ mắc một số bệnh lý khi mang thai: nhiễm cytomegalovirus, rubella, giang mai, herpes, toxoplasmosis;
- Tiền sử gia đình có người mất thính lực;
- Có tiếp xúc hay sử dụng các thuốc, ví dụ kháng sinh nhóm aminoglycosides (gentamycin, kanamycin), hóa liệu pháp chống ung thư, hoặc hóa chất;
- Đẻ non hoặc nhẹ cân, có các dấu hiệu của suy hô hấp sau đẻ, và phải thông khí hỗ trợ kéo dài;
- Vàng da do tăng bilirubin, viêm màng não;
- Chỉ số Apgar sau đẻ thấp;
- Bất thường cấu trúc ở đầu, mặt, cấu trúc bất thường của tai ngoài và tai giữa;
- Ngay cả những trẻ không có các yếu tố nguy cơ này, vẫn có khả năng mất thính lực, vì thế chương trình sàng lọc cần áp dụng cho mọi trẻ sơ sinh trước khi ra viện về nhà.
Hiện nay, Bệnh viện Sản Nhi đã áp dụng phương pháp sàng lọc thính lực sau sinh ở trẻ sơ sinh để giúp các gia đình có thể sàng lọc cho các bé trong thời gian lý tưởng phát hiện sớm những vấn đề về thính giác và kịp thời can thiệp.