Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 30
  • Hôm nay: 95
  • Trong tuần: 7 002
  • Tất cả: 1627645
Đái tháo đường thai kì - vấn đề cần quan tâm

Đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) hiện đang là vấn đề của sản khoa do mức sống người dân được nâng cao, đái tháo đường được chẩn đoán lần đầu tiên trong quá trình mang thai. Giống như những dạng đái tháo đường khác, đái tháo đường thai kì gây rối loạn dung nạp đường huyết. Đái tháo đường thai kì gây đường huyết cao có thể ảnh hưởng đến thai kỳ và sức khoẻ của thai nhi.

Ở phụ nữ bị đái tháo đường thai kì, đường huyết thường trở lại bình thường sau khi sinh. Nhưng nếu bạn có ĐTĐTK, bạn có nguy cơ cao bị ĐTĐ type II. Bạn cần kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên ít nhất sáu tuần sau khi sinh.

Triệu chứng của ĐTĐTK

ĐTĐ thai kỳ thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng gì. Đôi khi, khát nước và đi tiểu thường xuyên hơn là triệu chứng có thể xảy ra.

Nguyên nhân:

Bình thường, nhiều loại hormone có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu. Nhưng khi mang thai, nồng độ hormone thay đổi khiến cơ thể bạn khó xử lý lượng đường trong máu hiệu quả. Điều này làm lượng đường trong máu tăng lên.

Ngoài ra còn có các yếu tố rủi ro khiến cho một số phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cao hơn:

- Thừa cân và béo phì

- Ít vận động

- Tiền sử ĐTĐTK hoặc bất thường dung nạp glucose

- Hội chứng buồng trứng đa nang

- Tiền sử gia đình có người bị ĐTĐ

- Tiền sử sinh con trên 4 kg

- Chủng tộc: Phụ nữ da đen, người Mỹ da đỏ, người Mỹ gốc Á và Thái bình dương và người gốc Tây Ban Nha có nguy cơ bị ĐTĐTK cao hơn.

Biến chứng:

ĐTĐTK nếu không được quản lý tốt có thể làm tăng lượng đường trong máu. Việc này có thể gây ra những vấn đề cho người mẹ và thai nhi, bao gồm tăng khả năng mổ lấy thai.

Biến chứng có thể ảnh hưởng đến thai nhi:

- Thai to: Lượng đường trong máu mẹ cao hơn bình thường có thể làm thai nhi phát triển quá lớn. Nhiều trẻ nặng hơn 4 kg, có nhiều khả năng khó sinh hoặc sinh mổ.

- Sinh non: Đường huyết cao có thể tăng nguy cơ chuyển dạ sớm và sinh trước ngày dự sinh hoặc được đề nghị sinh sớm vì thai nhi to.

- Khó thở nghiêm trọng: Trẻ sinh non do mẹ bị ĐTĐTK có thể bị suy hô hấp cấp.

- Hạ đường huyết: Một vài em bé của mẹ bị ĐTĐTK có hạ đường huyết ngắn sau sinh. Hạ đường huyết nghiêm trọng có thể gây co giật ở trẻ. Cho ăn lập tức hoặc truyền glucose tĩnh mạch có thể giúp đường huyết của trẻ trở lại bình thường.

- Béo phì và ĐTĐ type II: Trẻ có mẹ bị ĐTĐTK có nguy cơ cao bị béo phì và ĐTĐ type II trong cuộc sống sau này.

- Thai lưu: ĐTĐTK không điều trị có thể khiến thai nhi chết trước hoặc ngay sau sinh.

Những biến chứng ảnh hưởng đến người mẹ:

- Huyết áp cao và tiền sản giật: ĐTĐTK tăng nguy cơ tăng huyết áp cũng như tiền sản giật, một biến chứng nghiêm trọng của thai kỳ do huyết áp cao và những triệu chứng khác có thể đe dọa mạng sống của mẹ và bé.

- Mổ lấy thai: Nhiều khả năng mổ lấy thai nếu bạn bị ĐTĐTK.

- ĐTĐ trong tương lai: Nếu bạn bị ĐTĐTK, bạn có nhiều khả năng bị ĐTĐ trong lần mang thai tiếp theo. Bạn cũng có nguy cơ cao bị ĐTĐ type II sau này.

Phòng ngừa:

Không có gì đảm bảo phòng ngừa được ĐTĐTK. Tuy nhiên, bạn có thể thực hiện những thói quen lành mạnh trước khi mang thai. Nếu bạn đã từng bị ĐTĐTK, những thói quen lành mạnh cũng có thể giảm nguy cơ lặp lại ở lần mang thai tiếp theo hoặc phát triển thành ĐTĐ type II trong tương lai.

- Chế độ ăn lành mạnh

Chế độ ăn nhiều chất xơ: tăng 10g/ngày trong tổng lượng chất xơ có liên quan đến việc giảm nguy cơ ĐTĐ thai kỳ 26%; tăng 5g/ngày trong ngũ cốc hoặc chất xơ trái cây có liên quan đến việc giảm 23% nguy cơ ĐTĐTK hoặc 26% ĐTĐTK.

- Vitamin D: Nồng độ vitamin D thấp làm tăng nguy cơ mắc bệnh ĐTĐTK. Vì vậy bạn có thể bổ sung thêm vitamin D để giảm nguy cơ ĐTĐTK.

- Myo-inositol: Mặc dù bằng chứng vẫn còn hạn chế và chủ yếu dựa trên 3 thử nghiệm nhỏ được thực hiện ở những phụ nữ khỏe mạnh có nguy cơ cao mắc bệnh ĐTĐTK, liều 2 gram myo-inositol hai lần mỗi ngày đã được chứng minh giúp giảm khoảng 60% - 70% nguy cơ phát triển ĐTĐTK và có tác động tích cực đến cân nặng khi sinh.

- Bắt đầu mang thai ở cân nặng lý tưởng: Nếu bạn có kế hoạch mang thai, giảm cân có thể giúp bạn có một thai kỳ khoẻ mạnh, tập trung vào thay đổi lâu dài thói quen ăn uống của bạn giúp bạn vượt qua thai kỳ an toàn, như ăn nhiều rau củ, trái cây.

- Đừng tăng cân nhiều hơn mức khuyến nghị. Tăng cân trong suốt thai kỳ là bình thường và khoẻ mạnh khuyến cáo tăng 10-12 kg trong cả quá trình mang thai. Nhưng nếu tăng cân quá nhanh có thể tăng nguy cơ ĐTĐTK.

- Tăng cường vận động: Theo những nghiên cứu gần đây tập thể dục trong 35-90 phút, 3-4 lần mỗi tuần trong khi mang thai có thể được thực hiện một cách an toàn bởi những phụ nữ có cân nặng bình thường, thai kỳ không biến chứng vì điều này không liên quan đến việc tăng nguy cơ sinh non hoặc giảm tuổi thai trung bình khi sinh. Ngoài ra tập thể dục còn liên quan đến tăng tỷ lệ sinh thường và giảm tỷ lệ sinh mổ đáng kể, với tỷ lệ mắc đái tháo đường thai kỳ và rối loạn tăng huyết áp thấp hơn đáng kể và do đó nên được khuyến khích.

Lời khuyên của bác sỹ

Các sản phụ nên khám thai đầy đủ, đúng lịch hẹn, kiểm tra đường huyết để đề phòng nguy cơ đái tháo đường thai kỳ và có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn.

NHS. Phạm Thị Liên - Khoa  HTSS

Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !