Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 64
  • Hôm nay: 1247
  • Trong tuần: 12 556
  • Tất cả: 1617170
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LIÊN QUAN DINH DƯỠNG ĐỐI VỚI PHỤ NỮ CÓ THAI

 

    Thai nghén là một trạng thái sinh lý bình thường nhưng dễ mất ổn định và có thể trở thành trạng thái bệnh lý (nhiễm độc thai nghén, rau tiền đạo, đẻ khó…). Do đó chăm sóc và dinh dưỡng cho bà mẹ trong thời gian mang thai là một việc làm hết sức cần thiết góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ mang thai, giảm suy dinh dưỡng bào thai, hạn chế một số bệnh mạn tính không lây và tạo điều kiện cho việc nuôi con bằng sữa mẹ thành công. Trong quá trình mang thai, bà mẹ có thể gặp một số vấn đề liên quan đến dinh dưỡng gây ảnh hưởng đến sức khoẻ mẹ và bé, có thể kể đến gồm:

1. Buồn nôn, nôn

Đây là phản ứng thai nghén thường gặp, là hiện tượng sinh lý bình thường xảy ra ở hầu hết các phụ nữ có thai với các mức độ nặng nhẹ khác nhau. Nghén thường xảy ra ở đầu thai kỳ với những triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn, mất ngủ, chán ăn. Hiện tượng nôn mửa thường xuất hiện vào buổi sáng khi mới ngủ dậy. Ở đa số phụ nữ, hiện tượng này xảy ra ở mức độ nhẹ, họ vẫn có thể làm việc, sinh hoạt bình thường mà không gặp trở ngại gì, sau 3 tháng hiện tượng này sẽ giảm và dần trở lại bình thường.

Trong thời kỳ nghén, phụ nữ có thai nên thay đổi cách chế biến thức ăn để dễ ăn hơn, chọn những món ăn nhẹ, dễ tiêu, giảm các món xào, chiên rán hoặc những thức ăn có mùi gây khó chịu. Bữa ăn nên chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày, không nên ăn quá no. Không nhất thiết phải ăn đúng bữa mà hãy ăn những thức ăn phù hợp khi thấy có nhu cầu. Nên ăn 1 chút những thực phẩm như bánh quy, bánh mỳ, ngũ cốc khi thấy buồn nôn. Đề phòng cảm giác buồn nôn, nôn, nhất là khi hay nôn vào buổi sáng thì khi thức dậy không nên trở dậy ngay mà nằm trên giường và khởi động nhẹ nhàng; bữa sáng ăn nhẹ hoặc uống sữa, không để bụng đói. Tránh các thức ăn kích thích, có chứa nhiều chất béo sẽ làm tăng cảm giác gây buồn nôn.

Nếu hiện tượng nôn diễn ra thường xuyên, liên tục và nghiêm trọng, cũng có thể do những nguyên nhân khác ngoài ốm nghén như thai đôi, chửa trứng, nên đi thăm khám, siêu âm để xác định rõ nguyên nhân. Nếu nôn kèm các biểu hiện bất thường khác như sốt cao, mạch nhanh, vàng da, vàng mắt cũng cần nhanh chóng đến khám tại các cơ sở y tế để phòng những tình huống nguy hiểm.

2. Chướng bụng, đầy hơi

Chứng ợ hơi là cảm giác nóng ở vùng ngay sau xương ức, đôi khi có dịch acid trong dạ dày ợ lên miệng. Thường xảy ra khi nằm, ho, rặn đi ngoài và khi khiêng vật nặng. Có thể phòng tránh bằng cách mỗi bữa nên ăn một ít và ăn làm nhiều bữa để giữ cho dạ dày không bị quá đầy.

Hiện tượng chướng bụng thường xuất hiện ở giai đoạn 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ mang thai. Nguyên nhân là do tử cung to ra, ép vào dạ dày làm giảm sự co bóp của dạ dày, gây trở ngại cho việc tiêu hoá. Ngoài ra phụ nữ có thai bị táo bón cũng thường cảm thấy chướng bụng. Để giảm bớt hiện tượng này, phụ nữ mang thai nên chia lượng thức ăn chia thành nhiều bữa, chọn thức ăn bổ dưỡng dễ tiêu hoá. Nên ăn chậm, nhai kỹ, không nên ăn quá nhiều, quá nhanh. Ăn ít những thức ăn nhiều đường, mỡ, tăng cường ăn nhiều rau quả tươi có nhiều chất xơ. Cần vận động nhẹ nhàng như đi bộ để làm tăng chức năng co bóp của đường ruột.

3. Đau bụng đi ngoài

Trong thời gian mang thai, bà mẹ rất dễ đầy bụng đi ngoài, nguyên nhân chủ yếu là do nhu động ruột kém. Cách phòng hữu hiệu là tăng cường ăn rau xanh và hoa quả, đậu nành, lòng đỏ trứng gà, sữa bò, ngũ cốc… Ngoài ra cần chú ý vận động thích hợp như đi bộ.

Ở một số phụ nữ có thai, hiện tượng đi ngoài lại là do nhu động ruột tăng quá mạnh, do chế độ ăn uống không phù hợp như ăn quá nhiều đồ lạnh hoặc ăn đồ xào rán quá nhiều chất béo.

4. Táo bón

Là trạng thái đi đại tiện phân khô cứng, buồn đi mà không đi được, phải rặn mạnh, thời gian đi đại tiện lâu hoặc nhiều ngày mới đi đại tiện. Nguyên nhân dẫn đến táo bón có thể là do khi mang thai, các cơ nằm trong vách ruột già giãn làm sự co bóp để đẩy thức ăn dọc theo ruột giảm đi, nước bị tách ra khỏi phân ngay ở đoạn đầu ruột già, làm cho phân bị khô, cứng; tập quán sinh hoạt thiếu điều độ; hoặc có thể do rối loạn chức năng vận chuyển của ruột; do thói quen ăn uống không khoa học, chế độ ăn nhiều đạm, ít chất xơ, uống ít nước, ít vận động, stress do lo nghĩ, tức giận, buồn phiền hoặc do thói quen ngại hoặc nhịn đi đại tiện. Do nhiều chất thải không được bài tiết qua đường tiêu hoá nên thường mang lại hậu quả xấu như chán ăn, mất thăng bằng chức năng dạ dày ruột hoặc thậm chí có thể dẫn tới nhiễm độc. Vì vậy phụ nữ có thai cần cố gắng đề phòng và chữa trị kịp thời chứng táo bón.

Cách khắc phục: Phụ nữ có thai cần hình thành thói quen hàng ngày đi đại tiện đúng giờ. Nên uống đủ nước (2 lít/ngày), ăn nhiều trái cây còn nguyên vỏ, rau các loại (400g/ngày). Ăn cam, xoài hay đu đủ sẽ giúp dễ đi ngoài. Hạn chế các thức ăn chứa chất kích thích như: hành, tỏi, hạt tiêu, ớt… Không nên dùng thuốc nhuận tràng nếu không có chỉ định của bác sỹ. Các loại nhuận tràng bằng chất xơ thiên nhiên là tốt nhất, vì chúng giúp tăng lượng nướ vào phân, làm phân mềm và tăng thể tích phân đào thải.

5. Mệt mỏi

Cảm giác mệt mỏi của cơ thể thường xuất hiện ở giai đoạn đầu và cuối của thai kỳ. Tuy nhiên cảm giác mệt mỏi trong 3 tháng đầu là hết sức bình thường và dễ dàng vượt qua. Còn vào 3 tháng cuối, sự mệt mỏi trở lại và làm cho khó khăn hơn trong sinh hoạt. Phụ nữ có thai cần nghỉ ngơi đầy đủ, không nên gắng sức trong công việc và việc nhà, có thể tăng thêm thời gian ngủ.

Cần xác định rõ nguyên nhân gây cảm giác mệt mỏi, nhất là khi xuất hiện ở đầu thai kỳ bởi mệt mỏi có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể thiếu một chất dinh dưỡng nào đó, như thiếu protein, thiếu sắt… Cần xem xét lại chế độ dinh dưỡng và đi khám tư vấn của bác sỹ. Không nên dùng các thực phẩm, đồ uống chứa cafein, đồ ngọt để kích thích chơ cơ thể tỉnh táo.

Sự mệt mỏi, khó chịu của cơ thể đôi khi là phản ứng tự nhiên trước những tác động quá mức từ môi trường sống và làm việc, như ánh sáng không đầy đủ hoặc chói gắt, không khí lưu thông kém, hoặc mùi khó chịu, âm thanh ồn ào. Cần khắc phục để đảm bảo bản thân luôn được ở trong một môi trường có lợi, dễ chịu nhất.

6. Phù

Khi có thai, hiện tượng phù chân thường hay xuất hiện. Nguyên nhân là do tăng lượng máu chảy từ các tĩnh mạch vùng khung chậu trở về tĩnh mạch bụng dưới, tử cung to lên chèn vào tĩnh mạch bụng dưới gây trở ngại cho lưu thông máu đối với phần chi dưới, áp lực trong huyết quản tăng lên làm cho thành phần máu thẩm thấu qua thành mạch vào các tổ chức liên kết. Những chất dịch này trước hết tập trung ở mắt cá nhân, sau đó từ từ lan lên phía trên gây phù cẳng chân.

Hiện tượng phù chân có thể nhìn thấy rõ khi 2 chân phình to, hoặc khi khám dùng ngón tay ấn vào mắt cá chân hoặc mu bàn chân thấy da lõm xuống và để lại dấu ấn ngón tay, một lúc sau mới trở về bình thường.

Xử trí: Khi xảy ra hiện tượng chân bị phù, người mẹ cần nghỉ ngơi, chú ý tránh đứng lâu hoặc đi lại quá nhiều, khi ngủ kê chân cao một chút để cho máu dễ lưu thông trở lại. Nên hạn chế lượng muối trong thức ăn, thận trọng với cả những thực phẩm có chứa nhiều muối như bánh mặn, bơ mặn, phomat, đồ hộp, thịt hun khói, dăm bông, cá muối, thịt/hải sản khô, dưa muối, nước hoa quả đóng chai…

Nếu sau khi nghỉ ngơi và thực hiện các biện pháp trên mà không giảm phù, hoặc kèm theo đau đầu, hoa mắt, buồn nôn thì có thể bị nhiễm độc thai nghén, cần đến khám tại cơ sở y tế.

7. Chuột rút

Thai phụ hay bị chuột rút, từ tháng thứ 6 trở đi của thai kỳ, chuột rút có xu hướng diễn ra thường xuyên hơn, đặc biệt vào ban đêm gây ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nguyên nhân là do thiếu canxi, phospho, magie, do sức nặng và độ lớn của tử cung chèn ép vào các mạch máu ở chi dưới hoặc do các cơ ở chi dưới phải nâng đỡ sức nặng của cơ thể.

Chuột rút là tình trạng co thắt cơ đột ngột, gây đau dữ dội ở một bắp thịt, làm cho thai phụ không tiếp tục cử động được nữa, hay xảy ra ở cẳng chân, đùi, bàn tay, bàn chân và cơ bụng.

Xử trí: Khi bị chuột rút ở đùi hoặc cẳng chân, thai phụ cần xoa bóp đùi, kéo đầu ngón chân và bàn chân hướng về đầu gối hoặc có thể uốn cong bàn chân lên rồi gập bàn chân xuống phía gót chân để thư giãn cơ và giảm đau. Biện pháp đề phòng tốt nhất là cần nghỉ ngơi, mùa đông phải luôn giữ ấm, thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng, chú ý ăn nhiều thực phẩm giàu canxi như sữa, tôm, cua, đậu đỗ… Nếu không cung cấp đủ canxi từ thực phẩm, có thể bổ sung thêm canxi, magie theo chỉ định của bác sỹ. Ngoài ra, phụ nữ mang thai cần uống đủ nước, khởi động thật tốt trước khi vận động cơ thể, trước mỗi buổi tập. Tập vươn duỗi chân vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng khi thức dậy. Khi ngồi, co bàn chân về phía đầu gối càng cao càng tốt, để máu dễ dàng lưu thông ở bắp thịt cẳng chân.

NHS. Dương Thị Giang – Khoa Hỗ trợ sinh sản

Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !