Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 76
  • Trong tuần: 6 112
  • Tất cả: 1383724
Những dấu hiệu của cuộc chuyển dạ mẹ bầu cần biết

 

Chuyển dạ là một quá trình sinh lý làm cho thai và phần phụ của thai được đưa ra khỏi đường sinh dục của người mẹ. Sản phụ và người thân cần biết rõ các dấu hiệu chuyển dạ để đến cơ sở y tế kịp thời nhằm sinh đẻ an toàn, tránh tình trạng sinh đẻ tại nhà hoặc đẻ rơi dọc đường có thể ảnh hưởng đến tính mạng của cả mẹ lẫn con. Đồng thời cũng cần có những kiến thức khi sinh con, phối hợp với nhân viên y tế để sinh nở an toàn và cảm thông nếu có xảy ra tai biến y khoa ngoài mong đợi.

1.     Các giai đoạn chuyển dạ

 

1.1 Giai đoạn 1

Giai đoạn xoá mở cổ tử cung, tính từ khi bắt đầu chuyển dạ đến khi cổ tử cung mở hết. Giai đoạn này là giai đoạn kéo dài nhất của cuộc chuyển dạ, thời gian trung bình của giai đoạn này là 15 giờ, bao gồm:

- Giai đoạn 1a: Từ khi cổ tử cung bắt đầu xoá đến khi cổ tử cung mở 3 cm gọi là pha tiềm tàng, thời gian 8 giờ.

 - Giai đoạn 1b: Từ lúc cổ tử cung mở 3 cm đến 10 cm (mở hết) gọi là pha tích cực, thời gian 7 giờ.

 

1.2 Giai đoạn 2

Giai đoạn sổ thai tính từ khi cổ tử cung mở hết đến khi thai sổ ra ngoài, thời gian trung bình 30 phút, tối đa 1 giờ. Giai đoạn này được thực hiện nhờ 2 yếu tố: sức mạnh cơn co tử cung và sự co bóp các cơ thành bụng.

1.3 Giai đoạn 3

Là thời kỳ sổ rau, bắt đầu từ khi thai sổ ra ngoài đến khi rau bong, xuống và sổ rau ra ngoài cùng với màng rau, thời gian 15 - 30 phút.

 

 

 

Ở sản phụ sinh con so, thời gian chuyển dạ thường kéo dài hơn sản phụ sinh con rạ do cổ tử cung mở chậm hơn và tầng sinh môn còn rắn chắc hơn với thời gian trung bình là 16 đến 24 giờ, trong khi con rạ chỉ 8 đến 16 giờ.

2. Các dấu hiệu nhận biết chuyển dạ

2.1 Bong nút nhầy hồng âm đạo

Trong suốt thời gian mang thai, ở vị trí chỗ nối cổ tử cung và âm đạo luôn có một nút nhầy vững chắc. Bên cạnh lớp cơ thành tử cung, lớp màng ối, nút nhầy này cũng là một hàng rào bảo vệ cho thai nhi, chống sự xâm nhập của vi khuẩn hay các lực tác động cơ học từ bên ngoài vào buồng ối.

Chính vì vậy, khi cổ tử cung bắt đầu mở ra, nút nhầy sẽ bị bung ra và thoát ra ngoài cửa âm đạo như một chút nhầy nhớt, có màu hồng. Đây là dấu hiệu cảnh báo thời khắc chuyển dạ chính thức chuẩn bị bắt đầu.

2.2 Cơn co tử cung

Gần tới ngày sinh, mẹ bầu có thể cảm thấy các cơn co không thoải mái và cường độ khác nhau. Không nhẹ nhàng như các cơn tử cung của chuyển dạ giả, chuyển dạ thật đau hơn nhiều. Chúng tạo nên cường độ mạnh đến mức bạn không thể đi lại hay nói chuyện khi đó.

Các cơn co chuyển dạ thường mạnh, lặp đi lặp lại và liên tục. Bạn có thể bấm giờ, khi các cơn co cách nhau từ 5 – 7 phút trong ít nhất 1 tiếng tức là bạn đang chuyển dạ. 

 

3. Vỡ ối

Túi chất lỏng bao quanh em bé có thể vỡ bất cứ lúc nào trong quá trình chuyển dạ. Chất dịch lỏng chảy mạnh hay từ từ là một dấu hiệu chính cho thấy màng ối đã bị vỡ và quá trình chuyển dạ bắt đầu.

 

 

4. Dấu hiệu nên nhập viện sớm

 Cơn co thắt ở mỗi người mẹ là khác nhau, vì vậy, sẽ rất khó để nhận biết chính xác dấu hiệu bạn nên nhập viện. Tuy nhiên, những trường hợp sau, người mẹ nên tới bệnh viện càng sớm càng tốt.

- Những cơn co thắt xảy ra 5 phút một lần, mỗi lần kéo dài khoảng 30 giây. 

- Cường độ của những cơn co thắt càng lúc càng mạnh hơn.

- Người mẹ mang thai dưới 37 tuần và xuất hiện những cơn co thắt dồn dập.

Tóm lại, nếu có một trong những dấu hiệu sắp sinh trên đây, mẹ bầu cần đến ngay bệnh viện để được theo dõi diễn tiến chuyển dạ cũng như sẵn sàng những ứng cứu nếu cần thiết. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp các mẹ nhận biết sớm và có sự chuẩn bị kỹ càng chào đón bé yêu chào đời.

Tài liệu tham khảo:

1. Bài giảng sản phụ khoa (trang điều trị Internet)

2. Bài sinh lý chuyển dạ - Sách sản khoa (Bộ môn phụ sản – Đại học Y Hà Nội)

 

CNHS. Vũ Thị Hiếu – Khoa Sản