Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 108
  • Trong tuần: 6 144
  • Tất cả: 1383756
Những điểm cần lưu ý khi chăm sóc đái tháo đường thai nghén

 

1. Đái tháo đường thai nghén là gì?

Đái tháo đường thai nghén là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở nhiều mức độ khác nhau, khởi phát hay được phát hiện lần đầu tiên trong quá trình mang thai.

Đái tháo đường thai nghén không ngừng gia tăng theo thời gian và theo sự phát triển kinh tế - xã hội, để lại hậu quả nặng nề cho cả mẹ và trẻ sơ sinh, làm tăng tỉ lệ bệnh tật và tử vong.

2. Đái tháo đường thai nghén được phát hiện và chẩn đoán khi nào?

Xét nghiệm tầm soát đái tháo đường thai nghén bằng nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống được thực hiện tại thời điểm khám thai đầu tiên của các thai phụ có yếu tố nguy cơ cao (trước 13 tuần hoặc ngay sau mốc thời gian này) hoặc được làm vào tuần 24–28 của thai phụ không có đái tháo đường từ trước.

Sản phụ được chẩn đoán đái tháo đường thai nghén khi có 1 trong các giá trị bất thường sau:

§  ĐH đói ≥ 92 mg/dl (5,1 mmol/l)

§  ĐH 1 h ≥ 180 mg/dl (10 mmol/l)

§  ĐH 2 h ≥ 153 mg/dl (8,5 mmol/l)

3. Ảnh hưởng của đái tháo đường thai nghén đối với mẹ và thai nhi

3.1. Với mẹ

- Tiền sản giật, tăng huyết áp thai kỳ;

- Nhiễm khuẩn tiết niệu;

- Đẻ sớm / Đẻ chấn thương / Đẻ can thiệp dụng cụ;

- Nguy cơ mổ lấy thai;

- Nhiễm trùng hoặc xuất huyết sau mổ / sau đẻ;

- Tăng nguy cơ đái tháo đường thai nghén trong những lần có thai sau hoặc tiến triển thành đái tháo đường typ 2…

3.2. Với thai và trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ

- Sảy thai, thai chết lưu;

- Thai to làm tăng nguy cơ đẻ khó và có tai biến tổn thương do sang chấn sau đẻ; hoặc thai chậm tăng trưởng trong buồng tử cung;

- Dị tật bẩm sinh không do rối loạn NST;

- Nguy cơ đẻ non;

- Biến chứng chuyển hoá sau đẻ: hạ đường huyết, hạ canxi máu, tăng bilirubin máu sơ sinh;

- Suy hô hấp sơ sinh, tăng tỉ lệ tử vong chu sinh…

4. Chăm sóc mẹ đái tháo đường thai nghén

4.1. Khi mang thai

  

  

Cần phối hợp các chuyên khoa trong quản lý đái tháo đường thai nghén

- Chế độ ăn tiết chế: Bệnh nhân đái tháo đường không phải ăn kiêng mà chủ yếu quản lý chế độ ăn, đảm bảo bữa ăn đầy đủ năng lượng cần thiết và các yếu tố vi lượng, ngon miệng, phù hợp hoàn cảnh kinh tế.

ü    Tuỳ thể trạng từng người mà tăng cân hợp lý;

ü    Chia nhỏ bữa ăn trong ngày, gồm 3 bữa chính và 3-4 bữa phụ. Không bỏ bữa;

ü    Lựa chọn thực phẩm giàu chất xơ, vitamin, chất béo không no…

Các nghiên cứu trong và ngoài nước ghi nhận có đến 80% thai phụ đái tháo đường thai nghén đáp ứng chế độ ăn tiết chế.

 

 

- Chế độ tập luyện: Chọn lựa tốt là thể dục cho phần trên của cơ thể. Thời gian tập 30 phút nếu không có chống chỉ định. Tập luyện ở mức độ vừa phải, tránh những luyện tập gây ảnh hưởng đến thai nhi. Các môn thể thao cho bà bầu gồm: đi bộ 15 - 30 phút, bơi lội, Yoga cho bà bầu…

 

Ảnh: Internet

- Khi chế độ ăn và luyện tập không điểu chỉnh được đường huyết theo muc tiêu, sản phụ bắt buộc phải sử dụng Insulin để ổn định đường máu. Khi đó, phải khám chuyên khoa Sản và chuyên khoa Nội tiết để điều chỉnh liều Insulin cho phù hợp.

- Sản phụ cần có máy đo đường huyết để theo dõi đường huyết tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.

4.2. Giai đoạn sau sinh

- Sau đẻ hoặc sau mổ, sản phụ cần chú ý giữ gìn vệ sinh, tránh nhiễm khuẩn hậu sản.

- Mẹ đái tháo đường thai nghén vẫn có thể cho con bú sữa mẹ hoàn toàn.

- Đái tháo đường thai nghén thường biến mất sau sinh. Phụ nữ nên khám lại chuyên khoa Nội tiết ở tuần thứ 6 sau sinh hoặc thời điểm sớm nhất ngay khi đi làm trở lại để khẳng định chẩn đoán.

NHS. Phạm Thị Thắm – Khoa Sản