Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 42
  • Hôm nay: 1021
  • Trong tuần: 12 330
  • Tất cả: 1616944
Dinh dưỡng trong nhiễm khuẩn đường ruột ở trẻ

Nhiễm trùng đường ruột trẻ em là một bệnh lý tiêu hóa khá phổ biến, xảy ra do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng xâm nhập. Đây được cho là bệnh lý tiêu hóa phổ biến, thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, gây rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng đến sức khỏe của con.

anh tin bai

Nguồn ảnh: Internet.

Nguyên nhân trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột:

- Do vi khuẩn: Các loại vi khuẩn gây nhiễm trùng tiêu hóa trẻ em là Salmonella; E.coli; Listeria; Staphylococcus (nhiễm trùng tụ cầu). Những vi khuẩn này có nhiều trong thực phẩm bị ô nhiễm, thức ăn sống, trái cây chưa rửa, sữa chưa nhiệt trùng, thực phẩm không bảo quản kỹ...

- Do virus: Một số loại thực phẩm ô nhiễm chứa virus Norovirus - loại virus có thể lây từ người sang người. Ngoài ra còn có Rotavirus, loại virus này thường bám trong đồ chơi, nếu trẻ cầm nắm và mút tay thì rất dễ bị nhiễm bệnh.

- Do ký sinh trùng: Giun sán đường ruột, giun/sán đơn bào có tên gọi là Giardia và Cryptosporidiosis là những loại ký sinh trùng phổ biến gây nhiễm trùng đường tiêu hóa ở trẻ nhỏ.

- Do chế độ dinh dưỡng không đủ chất: Chế độ ăn uống thiếu dưỡng chất có thể làm suy giảm miễn dịch, khiến cơ thể trẻ dễ bị mầm bệnh virus, vi khuẩn xâm nhập, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa.

- Do môi trường sống không đảm bảo vệ sinh: Nếu trẻ sống trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, các vật dụng gia đình như chăn, màn, nguồn nước,... không sạch sẽ thì các vi khuẩn gây bệnh sẽ sinh sôi, xâm nhập vào cơ thể khiến bé bị nhiễm trùng đường ruột.

Dấu hiệu trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột

- Tiêu chảy: Là tình trạng thường gặp khi trẻ bị nhiễm trùng tiêu hóa, biểu hiện qua việc trẻ đi ngoài nhiều lầnphân lỏng lẫn chất nhầy hoặc lẫn máu.

- Đau bụng: Bệnh nhiễm trùng đường ruột ở trẻ em gây đau bụng quặn ở vùng quanh rốn hoặc dưới rốn, khiến trẻ có biểu hiện nhăn nhó, ôm bụng, quấy khóc, khó chịu. Cơn đau có thể diễn ra liên tục, cách nhau 3 - 5 phút khiến trẻ không thể thoải mái hoạt động.

- Biếng ăn: Khi mắc bệnh nhiễm trùng đường ruột, bé thường hay chán ăn, bỏ bú. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến bệnh thêm trầm trọng và nhu cầu hấp thu dinh dưỡng cũng không được đảm bảo.

- Buồn nôn: Bệnh làm suy giảm chức năng tiêu hóa của trẻ, dẫn đến triệu chứng buồn nôn, khiến trẻ khó chịu, quấy khóc.

- Ho, sổ mũi, sốt nhẹ: Đối với một vài bé có sức khỏe đề kháng yếu, khi bị nhiễm trùng tiêu hóa thì cơ quan hô hấp cũng ảnh hưởng gây mệt mỏi, ho, sổ mũi, sốt nhẹ.

Cách khắc phục và chăm sóc trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột

- Bù nước: Với trẻ bị tiêu chảy, bù nước rất quan trọng để cơ thể trẻ không bị mất nước gây kiệt sức và tăng nguy cơ tử vong. Ngoài cho bé uống nước lọc, cha mẹ có thể cho trẻ sử dụng dung dịch điện giải Oresol và ăn các thức ăn mềm, lỏng như cháo, súp,...

- Tăng cường cho trẻ bú mẹ: Nên cho trẻ bú mẹ thường xuyên để hấp thu đầy đủ dưỡng chất, tăng cường miễn dịch.

- Chọn thực phẩm dễ tiêu hóa: với trẻ dưới 6 tháng, mẹ nên tập trung cho bé bú mẹ. Còn với trẻ trên 6 tháng, song song với bú sữa mẹ, trẻ nên ăn đầy đủ 4 nhóm chất (gồm chất đạm, chất đường bột, chất béo, vitamin và khoáng chất). Đặc biệt, cha mẹ nên ưu tiên các loại thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa của con như: thịt gà, khoai lang, quả bơ, chuối, bột yến mạch, sữa chua,...

- Chia nhỏ bữa ăn: Hệ tiêu hóa của trẻ bị nhiễm khuẩn đường ruột thường bị suy yếu, khó chịu, khiến trẻ lười ăn. Để khắc phục tình trạng này, mẹ có thể chia nhỏ bữa ăn, đồng thời ưu tiên các món ăn nhỏ, mềm, lỏng để đường ruột dễ thích nghi và tiêu hóa, tăng cường hấp thu, tránh để trẻ bị mất sức.

- Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng của mẹ: Với trẻ bú mẹ, hầu hết các chất dinh dưỡng mà trẻ hấp thu đều đến từ nguồn sữa mẹ. Do đó, mẹ nên điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, ưu tiên ăn các thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa của bé như sữa chua, rau củ (cải xoăn, rau bina, măng tây, khoai tây,...), trái cây (chuối, bơ, vú sữa,...), các loại hạt (hạnh nhân, hạt điều, hạt bí,...).

Cách phòng ngừa bệnh nhiễm trùng đường ruột ở trẻ em

- Lựa chọn thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng.

- Tuyệt đối giữ vệ sinh trong quá trình chế biến thực phẩm để vi khuẩn không thể xâm nhập vào thức ăn.

- Bổ sung đủ 4 nhóm chất cho trẻ để cơ thể hấp thu đầy đủ vi chất dinh dưỡng cần thiết, tăng cường đề kháng, tránh mắc các bệnh nhiễm khuẩn.

- Không nên để trẻ mút tay hoặc ngậm đồ chơi.

- Phụ huynh nên thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn không gian nhà và các vật dụng trong gia đình, giúp trẻ có môi trường sinh hoạt sạch sẽ.

- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những bệnh nhân đang gặp vấn đề về đường hô hấp và bệnh tiêu hóa.

- Lựa chọn loại sữa công thức phù hợp giúp nâng cao sức khỏe hệ tiêu hóa của trẻ.

Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai có đầy đủ các xét nghiệm liên quan đến dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, với đội ngũ bác sĩ, chuyên viên chuyên khoa về Dinh dưỡng lâm sàng sẽ giúp phát hiện sớm cũng như điều trị các vấn đề dinh dưỡng cho bé. Khoa Dinh dưỡng – Bệnh viện Sản Nhi Tỉnh Lào Cai cung cấp các dịch vụ khám, tư vấn bệnh nhi chậm tăng trưởng, tư vấn dinh dưỡng, ăn bổ sung, các vấn đề liên quan dinh dưỡng như chán ăn, thiếu vi chất, dinh dưỡng cho tiêu chảy kéo dài, kém hấp thu…

Đăng ký khám và tư vấn:

♦️ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai

🏥Địa chỉ: Đ. Võ Nguyên Giáp - P. Bình Minh - TP. Lào Cai - T. Lào Cai

Tổng đài tư vấn và đặt lịch khám: 0868966028

 

CNDD. Hà Thị Thủy- Khoa Dinh Dưỡng
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !