U xơ tử cung là khối u lành tính phát triển từ cơ tử cung. Đây là bệnh rất hay gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản từ 30 đến 50 tuổi. Đôi khi chúng được gọi là u cơ tử cung hoặc u cơ trơn.
Triệu chứng
- Nhiều phụ nữ không biết mình bị u xơ tử cung vì họ không có bất kỳ triệu chứng nào.
- Những phụ nữ có triệu chứng (ở khoảng 1/3 số bệnh nhân) có thể gặp:
· Cường kinh hoặc thống kinh
· Đau bụng dưới thường xuyên
· Đau vùng lưng dưới
· Đái rắt (đi tiểu thường xuyên)
· Táo bón
· Đau khi quan hệ tình dục
- Trong một số ít trường hợp, các biến chứng nặng hơn do u xơ tử cung gây ra có thể ảnh hưởng đến quá trình mang thai hoặc gây vô sinh.
Vì u xơ tử cung thường không gây ra các triệu chứng nên chúng có thể được chẩn đoán tình cờ khi khám phụ khoa định kỳ, xét nghiệm hoặc siêu âm tử cung phần phụ.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính xác của u xơ tử cung vẫn chưa được biết rõ, nhưng chúng có liên quan đến hormone estrogen. Estrogen là hormone sinh dục nữ được sản xuất bởi buồng trứng. U xơ thường phát triển trong độ tuổi sinh sản của phụ nữ (từ khoảng 16 đến 50 tuổi) khi nồng độ estrogen ở mức cao nhất. Chúng có xu hướng nhỏ lại khi nồng độ estrogen thấp, chẳng hạn như sau thời kỳ mãn kinh.
Những ai có thể bị u xơ tử cung
- U xơ tử cung là bệnh khá phổ biến, cứ 3 phụ nữ thì khoảng 2 người có ít nhất 1 u xơ vào một thời điểm nào đó trong đời. Chúng thường xảy ra ở phụ nữ từ 30 đến 50 tuổi.
- Người ta cũng cho rằng chúng xảy ra thường xuyên hơn ở những phụ nữ thừa cân hoặc béo phì vì thừa cân làm tăng mức độ estrogen trong cơ thể.
- Phụ nữ đã có con có nguy cơ phát triển u xơ tử cung thấp hơn.
Các loại u xơ tử cung (bài viết mang tính đại chúng nên không phân loại theo FIGO)
- U xơ tử cung – loại u xơ phổ biến nhất, phát triển trong cơ của tử cung;
- U xơ dưới thanh mạc – u xơ phát triển bên ngoài thành tử cung vào khung chậu và có thể trở nên rất lớn, loại này thường gây chèn ép;
- U xơ dưới niêm mạc – u xơ phát triển trong lớp cơ bên dưới lớp niêm mạc trong tử cung và phát triển vào buồng tử cung, loại này thường gây rong kinh, cường kinh.
- Trong một số trường hợp, u xơ dưới thanh mạc hoặc dưới niêm mạc được gắn vào tử cung bằng một cuống mô hẹp. Chúng được gọi là u xơ có cuống.
Sơ đồ tử cung cho thấy các loại u xơ khác nhau phát triển (nguồn Internet)
Điều trị u xơ
U xơ tử cung không cần điều trị nếu chúng không gây triệu chứng. Sau thời kỳ mãn kinh, chúng thường sẽ nhỏ lại mà không cần điều trị.
Nếu bạn có các triệu chứng do u xơ gây ra, điều trị bằng thuốc làm giảm các triệu chứng thường sẽ được khuyên dùng trước tiên. Ngoài ra còn có các loại thuốc giúp thu nhỏ hoặc không làm u xơ tử cung to lên. Nếu những phương pháp này không hiệu quả hoặc không phù hợp với bệnh nhân (tốn kém về mặt thời gian và tiền bạc), phẫu thuật hoặc các thủ thuật ít xâm lấn khác có thể được khuyến nghị (Phẫu thuật nội soi hoặc mở bụng cắt tử cung bán phần hoặc toàn phần, phẫu thuật bóc u xơ tử cung, nút mạch dưới hướng dẫn của siêu âm...)
Hiện nay, tại bệnh viện sản nhi tỉnh Lào Cai đã thực hiện được gần như hầu hết các phẫu thuật liên quan đến u xơ, đa số là phẫu thuật nội soi nhằm can thiệp hạn chế đạt hiệu quả cao trong điều trị và bình phục sau mổ đặc biệt trong trường hợp cần bảo tồn tử cung với phụ nữ có khối u to nhưng vẫn muốn sinh đẻ.
Hình ảnh trước phẫu thuật nội soi bóc u xơ tử cung kích thước 8x10cm
thực hiện tại BV Sản Nhi tỉnh Lào Cai ngày 06/06/2023 – Nguồn: BS Vũ Văn Sơn
Hình ảnh sau khi đã bóc u xơ tử cung và khâu cầm máu, bảo tồn tử cung
Nếu bạn có các triệu chứng của u xơ tử cung cần gặp bác sĩ chuyên khoa sản phụ ngay để được chẩn đoán sớm. Ngoài ra, vì đây là bệnh thường không gây triệu chứng nên phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên đi khám phụ khoa định kì nhằm phát hiện sớm và có hướng theo dõi, điều trị phù hợp.