Rau tiền đạo là gì?
Rau thai hay còn được gọi là nhau thai là phần phụ của thai phát triển cùng thai trong buồng tử cung với vai trò cung cấp chất dinh dưỡng và oxy từ máu mẹ đến thai nhi và đồng thời nhận máu nghèo oxy sau quá trình trao đổi chất của thai nhi thông qua dây rốn.
Vị trí bình thường của bánh rau ở 1/3 trên của buồng tử cung. Có 4 vị trí bám bánh rau thường gặp: mặt trước, mặt sau, mặt đáy, mặt bên (phải hoặc trái). Rau tiền đạo được định nghĩa là khi vị trí bám của bánh rau thấp bất thường và che mất một phần hoặc toàn bộ lỗ trong cổ tử cung gây cản trở đường ra của thai nhi.
Hình ảnh minh hoạ vị trí bám rau bình thường và rau tiền đạo (Internet)
Yếu tố nguy cơ của rau tiền đạo?
Nguyên nhân của rau tiền đạo chưa được xác đinh rõ ràng. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ cao dẫn đến rau tiền đạo bao gồm:
· Mang thai nhiều lần;
· Sinh mổ lần trước;
· Những bất thường tại tử cung gây hạn chế việc làm tổ bình thường (ví dụ, u xơ, nạo thai trước);
· Phẫu thuật tử cung trước đó (ví dụ, phẫu thuật bóc bỏ u xơ) hoặc thủ thuật (ví dụ, phẫu thuật nong và nạo nhiều lần);
· Hút thuốc;
· Đa thai;
· Mẹ cao tuổi;
Biến chứng của rau tiền đạo?
Đối với những bệnh nhân có rau thai tiền đạo hoặc rau thai nằm thấp, nguy cơ bao gồm ngôi thai bất thường, sinh non ối vỡ sớm, thai chậm phát triển, mạch máu tiền đạo và rau bám màng (trong đó phần bám vào bánh rau của dây rốn bao gồm các mạch máu rốn khác nhau chỉ bao quanh bởi màng thai nhi).
Ở những phụ nữ đã được mổ lấy thai trước đó, rau tiền đạo làm tăng nguy cơ rau cài răng lược và dẫn đến băng huyết sau sinh; nguy cơ tăng đáng kể nếu số lần sinh mổ lấy thai trước đó tăng lên (từ 6 đến 10% với trường hợp mổ đẻ 1 lần, lên đến > 60% nếu mổ đẻ > 4 lần).
Vai trò của siêu âm trong chẩn đoán rau tiền đạo
Siêu âm là một phương pháp đơn giản và hiệu quả trong phát hiện sớm rau tiền đạo.
Mối quan hệ giữa mép dưới bánh rau và lỗ trong cổ tử cung thay đổi theo tuổi thai, rau thai “di chuyển” ra khỏi lỗ trong khi phần dưới tử cung phát triển và tốc độ di chuyển là 5,4 mm mỗi tuần. Vì vậy, không chẩn đoán rau tiền đạo trước 16 tuần. Rau tiền đạo có thể được phát hiện sớm nhất từ tuần thứ 20 của thai thông qua đo khoảng cách giữa mép dưới của nhau thai và lỗ trong cổ tử cung. Nếu nó nằm cách lỗ cổ tử cung vài centimet thì nên thực hiện siêu âm lại vào tuần thứ 32 – 34 để đánh giá lại vị trí mép dưới bánh rau và chẩn đoán rau tiền đạo khi mép dưới bánh rau cách lỗ trong cổ tử cung < 2cm.
Hình ảnh rau tiền đạo trên siêu âm
Phân loại rau tiền đạo trên siêu âm dựa vào khoảng cách, mối tương quan giữa mép dưới bánh rau và lỗ trong cổ tử cung:
· Type I ( Rau bám thấp): bánh nhau nằm ở đoạn dưới tử cung nhưng mép dưới không tiếp giáp với lỗ trong cổ tử cung (tức là mép dưới cách lỗ trong 0,5-2,0 cm).
· Type II (Rau bám mép) mép dưới bánh rau chạm tới rìa của lỗ trong cổ tử cung nhưng không che phủ nó
· Type III ( Rau tiền đạo bán trung tâm): nhau thai che phủ một phần lỗ trong cổ tử cung
· Type IV ( Rau tiền đạo trung tâm) bánh rau che phủ hoàn toàn lỗ trong cổ tử cung
Ngoài ra có thể đánh giá nhanh nguy cơ rau tiền đạo dựa vào vị trí bám của mép trên của bánh rau ( theo phân nhóm của Grannum)
· Nhóm I: Mép trên bánh rau vượt qua đáy tử cung hoặc ở ngay đáy;
· Nhóm II: Mép trên bánh rau vượt lên trên ½ thân tử cung hoặc ở ngang;
· Nhóm III: Mép trên bánh rau dưới ½ thân tử cung (tương ứng với rau bám thấp).
Nguy cơ rau tiền đạo tăng dần từ nhóm I đến nhóm III.
Rau tiền đạo có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho mẹ và thai nhi. Vì vậy, việc phát hiện sớm để có những phương án xử trí phù hợp là điều rất quan trọng. Siêu âm thai là phương pháp đơn giản và hiệu quả để phát hiện và chẩn đoán sớm rau tiền đạo. Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa nhiều kinh nghiệm và hệ thống máy siêu âm hiện đại là địa chỉ đáng tin cậy để các mẹ bầu lựa chọn đồng hành trong suốt thai kì nhằm theo dõi sự phát triển của thai và phát hiện sớm nhất những bất thường của thai và rau thai.