Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 546
  • Trong tuần: 17 560
  • Tất cả: 1897149
Dị ứng đạm sữa bò

Dị ứng với sữa bò, hay nói chính xác hơn là dị ứng với protein sữa bò, khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Trong những tuần đầu tiên ngay sau khi tiếp xúc với sữa bò, trẻ có thể có các biểu hiện dị ứng ở da như viêm da cơ địa, sưng môi và mắt, nổi mề đay. Bất thường ở hệ tiêu hóa bao gồm nôn trớ, tiêu chảy hoặc táo bón, máu trong phân. Trẻ có thể có biểu hiện ở đường hô hấp như sổ mũi, ho, khò khè. Trường hợp nặng có thể xảy ra sốc phản vệ.

 

Ảnh minh họa: Internet.

Chẩn đoán dị ứng đạm sữa bò khá phức tạp vì các triệu chứng lâm sàng rất đa dạng. Để cập nhật các hướng dẫn của Tổ chức dị ứng toàn cầu và Hội dị ứng miễn dịch trong khu vực, Hội Nhi khoa Việt nam đã cùng với các chuyên gia dị ứng, tiêu hóa của các vùng miền Bắc- Trung- Nam thảo luận và thống nhất đưa ra hướng dẫn chẩn đoán và xử trí tình trạng dị ứng đạm sữa bò ở trẻ em theo điều kiện của Việt nam.

Các triệu chứng lâm sàng:

Dị ứng đạm sữa bò biểu hiện trong những tuần đầu tiên ngay sau khi trẻ tiếp xúc với đạm sữa bò.

Các biểu hiện lâm sàng của dị ứng với đạm sữa bò

Cơ quan

Triệu chứng

Tần suất

Da

- Viêm da cơ địa

- Sưng môi và mi mắt (phù mạch)

- Nổi mề đay (không liên quan đến tình trạng nhiễm trùng cấp, thuốc hay do nguyên nhân nào khác)

50 – 70%

Đường tiêu hóa

- Thường xuyên trào ngược và nôn trớ

- Tiêu chảy/bón (kèm có hay không có ngứa hậu môn)

- Máu trong phân

- Thiếu máu thiếu sắt

50 – 60%

Đường hô hấp

Sổ mũi, ho kéo dài, khò khè (không liên quan đến tình trạng nhiễm trùng)

20 – 30%

Toàn thân

Mệt mỏi kéo dài hay đau quặn (>3 giờ mỗi ngày/ kích thích) ít nhất 3 ngày trong 1 tuần kéo dài trên 3 tuần

Chẩn đoán dị ứng đạm sữa bò dựa vào:

- Khai thác tiền sử và thăm khám toàn thân

- Tiền sử gia đình cần được khai thác vì dị ứng mang tính chất gia đình. Bên cạnh đó, tiền sử bản thân trẻ và loại sữa trẻ đang dùng, thời điểm xuất hiện các triệu chứng, các dạng triệu chứng và các yếu tố khởi phát là thông tin quan trọng cho việc chẩn đoán cùng với các thăm khám thể chất trên da, hệ tiêu hóa và hệ hô hấp vì đây là các cơ quan thường chịu ảnh hưởng của tình trạng dị ứng đạm sữa bò.

- Xét nghiệm dị ứng:

+ Lẩy da (Skin prick Test) với sữa

+ Xét nghiệm IgE đặc hiệu với các protein sữa bò (RAST)

+ Test loại trừ: ăn kiêng sữa trong 2-4 tuần

+ Test thử thách với đạm sữa bò: ăn lại sữa bò

Xử trí dị ứng với đạm sữa bò:

- Trẻ dưới 12 tháng tuổi: thức ăn chủ yếu là sữa và sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ trong độ tuổi này. Để hạn chế dị ứng đạm sữa bò nên tránh sữa bò và những chế phẩm từ sữa bò có thể gây dị ứng cho trẻ. Tuy nhiên nếu trong trường hợp không có sữa mẹ thì cho trẻ sử dụng sữa công thức chứa đạm thủy phân toàn phân toàn phần từ 2 đến 4 tuần. Nếu sau thời gian trên tình hình của trẻ được cải thiện thì cho trẻ thử lại sữa công thức thông thường từ đạm sữa bò. Nếu trẻ xuất hiện lại triệu chứng dị ứng sữa bò thì tiếp tục duy trì công thức sữa thủy phân toàn phần ít nhất 6 tháng đến 12 tháng.

- Lưu ý: Khi trẻ được một tuổi hoặc tùy vào tình trạng của trẻ, có thể được thử dùng lại các sản phẩm dinh dưỡng thông thường chứa đạm sữa bò nguyên vẹn. Điều này phải được thực hiện tại cơ sở y tế đầy đủ thiết bị và được theo dõi kỹ lưỡng để đảm bảo xử trí kịp thời nếu tình trạng dị ứng vẫn còn. Nếu không có phản ứng nào xảy ra, trẻ có thể bắt đầu lại chế độ ăn bình thường với sữa bò và những chế phẩm từ sữa

Hiện nay, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai đã và đang hoạt động phòng khám và tư vấn Dinh dưỡng. Do vậy cha mẹ khi thấy con có dấu hiệu về dị ứng sữa hãy đưa con đến để các bác sĩ thăm khám và tư vấn trực tiếp giúp trẻ có chế độ ăn phù hợp lứa tuổi.

 

BS. Nguyễn Thị Thêu - Khoa Dinh Dưỡng
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !