Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 1439
  • Trong tuần: 21 361
  • Tất cả: 1872142
VIÊM NÃO NHẬT BẢN

Hiện tại tại khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai đang điều trị tích cực cho 06 bệnh nhân viêm não, trong đó có 4 trường hợp làm xét nghiệm huyết thanh dương tính với virus Viêm não Nhật Bản.

Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây nhiễm trùng nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương ở trẻ em và người lớn. Đây là một trong những bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong lên đến 30%, để lại di chứng nặng nề và vĩnh viễn: gây tàn phế, mất khả năng lao động, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội ở một nửa số người sống sót.

Nguyên nhân viêm não Nhật Bản là do một loại virus viêm não Nhật Bản (JEV) thuộc nhóm B gây ra. lây truyền qua trung gian truyền bệnh là muỗi Culex. Loại virus này thuộc họ flavivirus có liên quan đến bệnh sốt xuất huyết, sốt vàng da và nhiễm virus West Nile, lây lan qua đường muỗi đốt. Viêm não Nhật Bản không lây trực tiếp từ người sang người.

Loài động vật mang mầm bệnh viêm não Nhật Bản thường là gia súc như lợn, trâu bò, ngựa… và chim hoang dã. Muỗi sẽ bị nhiễm virus gây bệnh viêm não Nhật Bản sau khi hút máu từ các loài động vật bị bệnh, sau đó truyền sang người thông qua vết muỗi đốt. Vì vậy, viêm não Nhật Bản là một bệnh có ổ dịch thiên nhiên ở khắp nơi. Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể lây lan và nhanh chóng bùng phát thành dịch bệnh trong cộng đồng.

Triệu chứng điển hình của Viêm não Nhật Bản: Sốt cao, co giật, hôn mê. Tuy nhiên, những dấu hiệu này thường chỉ xuất hiện từ ngày thứ 3 trở đi và đến lúc này thì đã muộn: “Có những trường hợp viêm não ác tính chỉ trong 24 giờ, bệnh nhân co giật hôn mê rồi ngừng thở, ngay cả thở máy lúc đấy cũng không còn hiệu quả, vì đã bị hoại tử não dẫn đến chết não”.

Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với virus viêm não Nhật Bản đều có thể bị mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở nhóm trẻ 5-9 tuổi. Theo thống kê, trẻ từ 0 đến 14 tuổi chiếm đến 75% các trường hợp tử vong.

Theo ThS. Vũ Thị Hải Yến - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu: “Hiện nay, viêm não Nhật Bản chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị triệu chứng. Viêm não Nhật Bản là căn bệnh nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao, nếu cứu sống được thì cũng để lại di chứng nặng nề.  Các bậc phụ huynh nên chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ tiêm vắc xin từ sớm ngay từ 9 tháng tuổi. Ngoài ra, giữ môi trường sống thông thoáng, diệt lăng quăng và muỗi cũng giúp ngừa bệnh hiệu quả”.

 

BS. Bàn Văn Hà- K. Hồi sức cấp cứu.
Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !