Xoắn tinh hoàn là gì?
Xoắn tinh hoàn là tình trạng tinh hoàn tự xoay quanh trục gây tắc nghẽn đột ngột thừng tinh, làm giảm hoặc tắc lượng máu đến tinh hoàn, gây sưng và đau. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến hoại tử tinh hoàn và các mô xung quanh. Do đó, bệnh nhân cần được phẫu thuật cấp cứu trong vài giờ đầu. Nếu để quá muộn, tinh hoàn có thể bị tổn thương vĩnh viễn, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản hoặc phải cắt bỏ.
Xoắn tinh hoàn thường xảy ra khi tinh hoàn chưa cố định ở túi bìu và di chuyển bất thường, đặc biệt khi tinh hoàn nằm trong ống phúc tinh mạc. Xoắn tinh hoàn có thể tự tháo.
Hình ảnh xoắn tinh hoàn
Bệnh xoắn tinh hoàn ở trẻ nguy hiểm như thế nào?
- Dễ gây nhầm lẫn với những căn bệnh khác:
Bệnh xoắn tinh hoàn ở trẻ cần được cấp cứu nhanh chóng. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều trẻ nhỏ được chẩn đoán nhầm với bệnh viêm tinh hoàn hoặc viêm mào tinh hoàn. Điều này dẫn đến sự chậm trễ trong quá trình điều trị bệnh và buộc phải cắt bỏ tinh hoàn.
- Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của trẻ trong tương lai:
Khi bị xoắn tinh hoàn, trẻ cần được phẫu thuật tháo xoắn càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong thời gian 6 tiếng tính từ khi xuất hiện cơn đau dữ dội vùng bìu. Nếu phát hiện muộn, dẫn tới xử lý muộn thì trẻ có thể phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm, bao gồm hoại tử tinh hoàn, buộc phải cắt bỏ tinh hoàn.
Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ. Đáng lo ngại hơn với những trường hợp xoắn 2 bên tinh hoàn dẫn đến cắt bỏ cả hai tinh hoàn gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của trẻ trong tương lai.
- Tình trạng xoắn tinh hoàn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đáng lo ngại hơn so với người lớn:
+ Đối với trẻ sơ sinh: Trẻ còn quá nhỏ và chưa thể nói ra những bất thường trên cơ thể.
+ Đối với trẻ nhỏ: Trẻ chưa có kiến thức để hiểu rõ được các bất thường xảy ra trên cơ thể.
Chính vì thế, cha mẹ cần quan tâm đến trẻ nhiều hơn. Đặc biệt đối với trẻ sơ sinh cần quan sát con để kịp thời nhận biết những bất thường và xử trí hiệu quả. Với những trẻ lớn hơn, các bậc phụ huynh nên hướng dẫn con cách chăm sóc vùng kín nói riêng và chăm sóc sức khỏe tổng thể nói chung, nhắc nhở con khi có bất thường phải báo ngay với cha mẹ, đồng thời luôn lắng nghe và quan tâm đến trẻ.
Những trẻ nào có nguy cơ bị xoắn tinh hoàn?
Dưới đây là các đối tượng trẻ em dễ bị xoắn tinh hoàn nhất:
- Các bé trai từ 10 tuổi trở lên.
- Thai nhi đang lớn lên trong tử cung của người mẹ hoặc ngay sau khi vừa sinh ra.
- Trẻ em trai có bố, con trai hoặc anh em trai từng bị xoắn tinh hoàn.
Triệu chứng xoắn tinh hoàn ở trẻ em:
Triệu chứng điển hình của xoắn tinh hoàn ở trẻ em là sưng đỏ, đau bìu dữ dội, khởi phát cấp tính. Đa phần các trường hợp đều đau đột ngột và biến mất nhưng đôi khi cũng có thể kéo dài nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày.
Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng phụ thuộc vào việc tinh hoàn bị xoắn một phần hay toàn bộ. Dấu hiệu cụ thể cũng có thể khác nhau giữa các đối tượng, phổ biến có thể kể đến như:
- Đau bìu dữ dội.
- Bìu sưng đỏ.
- Bầm tím.
- Buồn nôn và nôn.
- Cơn đau lan dần cả vùng háng.
- Tinh hoàn bên xoắn nằm ngang và cao hơn với bên lành.
Biến chứng xoắn tinh hoàn ở trẻ nhỏ:
Xoắn tinh hoàn ở trẻ nhỏ nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến chết mô, hoại tử và buộc phải cắt bỏ toàn bộ bộ phận. Nhiều trường hợp còn gây ra nhiễm trùng huyết đồng thời tăng nguy cơ vô sinh trong tương lai.
Bố mẹ nên làm gì khi phát hiện con mình bị xoắn tinh hoàn?
Điều trị kịp thời là điều cốt yếu đối với tình trạng xoắn tinh hoàn ở trẻ nhỏ. Vì vậy, khi nhận thấy dấu hiệu bất thường ở bé, bố mẹ cần liên hệ ngay với bác sĩ để được chẩn đoán sớm. Đặc biệt, trẻ em trước tuổi dậy khi bị xoắn tinh hoàn cấp tính có nguy cơ cao phải cắt bỏ toàn bộ bộ phận. Do đó, việc điều trị đúng lúc là thực sự quan trọng.
Điều trị xoắn tinh hoàn ở trẻ em:
Xoắn tinh hoàn ở trẻ em là một trường hợp cấp cứu ngoại khoa, cần được đưa đến phòng phẫu thuật càng nhanh càng tốt để tránh biến chứng nguy hiểm. Kết quả điều trị phụ thuộc rất lớn vào thời gian thiếu máu cực bộ. Chủ động phẫu thuật thăm dò chẩn đoán cũng được đặt ra khi các biện pháp thăm dò chẩn đoán còn nghi ngờ, lâm sàng không rõ ràng.
Phẫu thuật tháo xoắn sẽ giúp phục hồi việc cung cấp máu cho tinh hoàn. Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng ngăn ngừa xoắn tinh hoàn tái phát bằng cách cố định tinh hoàn, đồng thời đề phòng xoắn thừng tinh bên đối diện bằng cách cố định tinh hoàn đối diện. Riêng với trường hợp xoắn tinh hoàn ở trẻ sơ sinh, không cần phẫu thuật gấp để cố định tinh hoàn còn lại; có thể trì hoãn việc này trong vài tháng. Khi đã phẫu thuật tháo xoắn thừng tinh, trẻ vẫn có nguy cơ thiếu dinh dưỡng và teo thứ phát tinh hoàn liên quan nên cần được kiểm tra lại sau 6 tháng.
Biện pháp phòng ngừa tình trạng xoắn tinh hoàn ở trẻ:
Hiện nay, tình trạng xoắn tinh hoàn ở trẻ không thể được phòng ngừa tuyệt đối, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh. Với trẻ em giai đoạn trước tuổi dậy thì, phụ huynh nên trang bị đồ bảo hộ cho con trong quá trình tập luyện, chơi thể thao để phòng tránh chấn thương. Để phòng tránh bệnh xoắn tinh hoàn ở trẻ, bố mẹ cần kiểm tra bìu của bé thường xuyên. Nếu thấy bìu thỉnh thoảng bị trống chỉ có một bên, sưng đau thì cha mẹ cần phải đưa đến bệnh viện để được thăm khám điều trị kịp thời tránh biến chứng nguy hiểm.