Thông tin mới nhất
Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 85
  • Trong tuần: 6 121
  • Tất cả: 1383733
Điều trị bảo tồn thành công tai phải cho bé trai 45 tháng tuổi bị chó cắn

Ngày 13/08/2021 Khoa Ngoại LCK, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai cho biết các bác sỹ đã điều trị thành công cho cháu T.T.S 45 tháng tuổi, có địa chỉ tại huyện Bát Xát - Lào Cai bị chó cắn đứt gần lìa tai phải.

Trước đó, ngày 17/07/2021 cháu T.T.S được người nhà đưa đến bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai trong tình trạng đau, chảy máu tai phải. Theo người nhà cho biết: vào khoảng 17 giờ cùng ngày, khi đang đang chơi ngoài đường cùng các bạn, cháu đã bị chó của nhà hàng xóm cắn. Hậu quả khiến tai cháu bị rách phức tạp đứt gần lìa tai phải, chảy nhiều máu. Ngay lập tức cháu bé được người nhà đưa đến bệnh viện huyện Bát Xát sơ cứu và nhanh chóng chuyển đến bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai điều trị.

Tại khoa Ngoại – LCK, bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai, sau khi được các bác sỹ thăm khám, làm cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán: vết thương rách phức tạp, đứt gần lìa tai phải do chó cắn. Các bác sỹ nhận định đây là một ca bệnh phức tạp: vết thương rách phức tạp vùng tai (vùng này ít mạch máu nuôi dưỡng, nguy cơ nhiễm trùng, viêm sụn, màng sụn cao) không những vậy đây còn là vết thương do súc vật cắn bởi vậy càng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, làm giảm khả năng bảo tồn tai.

Tình trạng tai phải của cháu bé khi vào viện

Với sự quyết tâm của các bác sỹ và gia đình, bệnh nhân nhanh chóng được chuyển lên phòng mổ để tiến hành phẫu thuật cắt lọc, khâu phục hồi chỉnh hình vết thương tai. Sau phẫu thuật bệnh nhân được chuyển về khoa để theo dõi và điều trị tiếp. Đồng thời các bác sỹ đã tư vấn kỹ cho gia đình về việc tiêm phòng dại cho bệnh nhân và theo dõi sát con chó đã cắn bệnh nhân.

Hình ảnh bệnh nhân sau phẫu thuật lần 1

Sau 02 tuần điều trị bằng 3 loại kháng sinh kết hợp, huyết thanh chống uốn ván (SAT) thay băng rửa vết thương hàng ngày. Vết thương xuất hiện mảng hoại tử và khuyết da, các bác sỹ chuyển bệnh nhân lên nhà mổ lần 2 để cắt lọc, tạo hình vết thương tai.


Sau 04 tuần điều trị bệnh nhân được xuất viện trong tình trạng: toàn trạng ổn định, tai phải liền tốt, đưa tai phải về đúng vị trí giải phẫu, đảm bảo được chức năng nghe, tính thẩm mỹ cho bệnh nhân. Ca bệnh thành công giúp trẻ tránh được sự tự ti về sau.

Hình ảnh tai phải bệnh nhân khi ra viện

BS CKI Đào Xuân Khuê - phó trưởng khoa Ngoại - LCK cho biết: các vết thương do chó cắn vào vùng đầu mặt cổ (đặc biệt là chó hoang dại có biểu hiện hung hãn, thay đổi thói quen, tâm tính thường ngày, chán ăn, tiết quá nhiều nước bọt hoặc sùi bọt mép) rất nguy hiểm và có thể gây tử vong. Do đó các bậc cha mẹ cần có ý thức phòng tránh cho trẻ, nhắc nhở trẻ không đùa nghịch, trêu chọc chó, không lại gần khi chó đang ăn hoặc khi chó mẹ đang cho con bú.

* Những điều cần làm khi bị chó cắn:

+ Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch (đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh Dại khi bị chó cắn).

+ Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.

+ Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.

+ Đến ngay Trung tâm Y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng Dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh Dại.    

+ Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh.

BSCKI. Đào Xuân Khuê – Phó Trưởng khoa Ngoại nhi - LCK

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image