Chúng ta đều biết Vitamin A giúp tăng cường thị lực cho trẻ, bảo vệ mắt, phòng tránh các bệnh về mắt như quáng gà, khô mắt, loét giác mạc dẫn đến mù lòa… Vitamin A còn nhiều công dụng như:
- Giúp trẻ tăng trưởng bởi vitamin A đóng vai trò như 1 hormone trong điều chỉnh sự lớn và phát triển của các mô trong hệ cơ xương. Những trẻ bị thiếu Vitamin A sẽ chậm lớn, còi cọc.
- Duy trì cấu trúc bình thường của da và niêm mạc, cải thiện khả năng lành vết thương, thiếu vitamin A khiến da khô và dễ bị tổn thương, tóc giòn, dễ gãy rụng.
- Tăng cường khả năng miễn dịch của trẻ, biệt hóa tế bào. Thiếu Vitamin A khiến trẻ giảm sức đề kháng, dễ nhiễm trùng nặng, đặc biệt là sởi, tiêu chảy và viêm đường hô hấp… dẫn tới tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong.
- Mới đây người ta còn phát hiện dạng tiền Vitamin A trong rau củ, trái cây có khả năng kìm hãm gốc tự do, giúp chống lão hóa, phòng một số bệnh ung thư…
- Công tác phòng chống bệnh thiếu vitamin A và khô mắt đã được thống nhất hành động trên phạm vi toàn thế giới, bao gồm các biện pháp dài hạn, trung hạn và ngắn hạn.
1. Biện pháp bổ sung vitamin A dài hạn
- Chế độ ăn của phụ nữ có thai, đang cho con bú phải đảm bảo nguồn vitamin A từ sữa mẹ cho trẻ.
- Khi trẻ ăn dặm, cần thực hiện thường xuyên việc “tô màu bát bột”.
- Đối với những trẻ lớn, thức ăn cho trẻ càng cần phải đa dạng: gan, trứng, sữa là những thức ăn giàu vitamin A.
- Thức ăn từ thực vật tuy chỉ chứa caroten nhưng chỉ với 35 – 100g rau quả tươi có thể đáp ứng nhu cầu vitamin A hàng ngày cho hầu hết mọi trẻ nhỏ.
- Để trẻ có thể hấp thu dễ dàng vitamin A việc chế biến thức ăn cũng cần lưu ý. Các món xào, nấu có thêm dầu, mỡ sẽ giúp trẻ hấp thu vitamin A tốt hơn. Tránh đun nấu thức ăn kéo dài ở nhiệt độ cao để giữ cho vitamin A đỡ bị phá huỷ.
- Ngoài ra, cần phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn và ký sinh trùng.
- Thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng phòng chống 6 bệnh thường gặp.
- Coi trọng việc tẩy giun và phòng chống nhiễm ký sinh trùng đường ruột thường xuyên cho trẻ.
2. Biện pháp bổ sung vitamin A trung hạn
- Chủ động tạo nguồn thực phẩm cung cấp vitamin A.
- Xác định được loại thức ăn hay được sử dụng tại địa phương và khả năng chấp nhận của cộng đồng có nguy cơ thiếu vitamin A.
- Bổ sung vitamin A vào một số thực phẩm như macgarin, sữa gầy (một số nước châu Âu), đường (một số nước Trung Mỹ), mì chính (Philippin)…
3. Biện pháp bổ sung vitamin A ngắn hạn
- Phân phát vitamin A liều cao cho tất cả các bệnh nhân khô mắt hoạt tính ở mọi giai đoạn và các nhóm có nguy cơ cao bị khô mắt trong cộng đồng.
Biện pháp này có thể ngừng lại khi các biện pháp dài hạn và trung hạn đó phát huy hiệu quả.
* Bổ sung vitamin A liều cao với mục đích điều trị
- Trẻ em dưới 1 tuổi và trẻ em lớn hơn nhưng có cân nặng dưới 8kg: Các đối tượng này điều trị bằng 1/2 liều phác đồ cho trẻ từ 1 – 6 tuổi (mỗi lần uống 100.000 UI vitamin A).
- Trẻ em từ 1 đến 6 tuổi:
+ Ngay sau khi phát hiện bệnh uống 200.000 UI vitamin A, ngày hôm sau uống tiếp 200.000 UI vitamin A, sau hai tuần uống tiếp 200.000 UI vitamin A.
+ Nếu trẻ nôn hoặc ỉa chảy nhiều thay liều uống vitamin A đầu tiên bằng liều tiêm bắp 100.000 UI vitamin A.
- Trẻ từ 6 tuổi trở lên:
+ Điều trị với liều lượng như cho nhóm từ 1 đến 6 tuổi.
+ Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đang có thai hoặc không có thai: Nếu khô mắt ở mức độ quáng gà hoặc vệt Bitot: Uống mỗi ngày 10.000 UI vitamin A (1 viên bọc đường) trong 2 tuần liền. Nếu xuất hiện các tổn thương hoạt tính trên giác mạc cần cân nhắc khi cho uống vitamin A liều cao vì có khả năng gây dị dạng hoặc nguy cơ khác cho bào thai (nếu có thai).
* Bổ sung vitamin A liều cao với mục đích dự phòng
- Phân phát vitamin A cho nhóm bệnh có nguy cơ
- Trẻ em từ 1 – 6 tuổi uống 200.000 UI vitamin A khi tiếp xúc lần đầu với nhân viên y tế cho mỗi lần mắc bệnh.
- Trẻ em dưới 1 tuổi và trẻ em lớn hơn nhưng có cân nặng dưới 8kg uống 100.000 UI vitamin A khi tiếp xúc lần đầu với nhân viên y tế cho mỗi lần mắc bệnh.
- Chú ý phác đồ này không áp dụng cho những trẻ vừa được uống vitamin A liều cao trong vòng 1 tháng trước đó.
- Phân phát vitamin A toàn bộ.
- Phác đồ dự phòng thiếu vitamin A bao gồm việc cho uống vitamin A liều cao định kỳ đối với tất cả trẻ em dưới 6 tuổi trong cộng đồng có nguy cơ thiếu vitamin A, trẻ từ 1 đến 6 tuổi uống 200.000 UI vitamin A, cứ 3 – 6 tháng 1 lần.
- Trẻ từ 6 tháng tuổi đến dưới 1 tuổi và bất cứ trẻ lớn tuổi nào có cân nặng dưới 8kg thì uống 100.000 UI vitamin A, cứ 3 – 6 tháng 1 lần.
- Bà mẹ đang cho con bú uống 1 lần 200.000 UI vitamin A ngay sau khi đẻ hoặc trong vòng 2 tháng đầu tiên sau đẻ. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, nếu không được nuôi bằng sữa mẹ nên cho uống liều 50.000 UI vitamin A.
DS. Trần Tuấn Anh – Khoa Dược - VTYT
Tài liệu tham khảo: https://daihocduochanoi.com