Viêm ruột thừa ở thai phụ là gì?
Trong thai kỳ viêm ruột thừa cũng là 1 cấp cứu ngoại khoa hàng đầu có tỷ lệ 1/1500 với người bình thường ở cùng độ tuổi. Viêm ruột thừa cấp tính có thể gặp trong bất kỳ giai đoạn nào của thai nghén. Tuy nhiên, lúc mang thai viêm ruột thừa thường tiến triển nặng hơn và có nhiều biến chứng xấu cho cả mẹ và thai nhi.
.
Hình ảnh vị trí ruột thừa thay đổi theo tuổi thai
Viêm ruột thừa ở thai phụ nguy hiểm như thế nào?
Đối với cơ chế bệnh sinh và lý do nguy hiểm cho sản phụ và thai nhi là trong lúc mang thai vì tử cung xung huyết cho nên tình trạng viêm nhiễm thường nặng hơn. Hơn nữa do tình trạng viêm nhiễm kích thích tử cung mang thai nên dẫn đến sẩy, thai đẻ non. Lúc thai phát triển, các cơ quan khác như đại tràng, tiểu tràng, mạc nối lớn đều bị đẩy lên cao không đến bao phủ được tổ chức ruột thừa viêm nên viêm ruột thừa vỡ mủ nhanh chóng hình thành viêm phúc mạc ruột thừa hay áp-xe ruột thừa, ít hay không có hình thành đám quánh ruột thừa.
Viêm ruột thừa trong thai kỳ dễ gây sẩy thai trong 3 tháng đầu và sinh non trong 3 tháng cuối. Biến chứng nếu chẩn đoán trễ: sẩy thai sau mổ 1,5% với ruột thừa chưa vỡ, 35% với ruột thừa vỡ.
Tình trạng đau bụng cấp trên bệnh nhân có thai đặt ra vấn đề khó trong chẩn đoán và điều trị. Tử cung to sẽ làm thay đổi giải phẫu và đẩy các tạng khỏi vị trí thông thường. Sau 5 tháng, điểm đau hố chậu (phải) có thể thay đổi do tử cung đẩy ruột thừa lên cao, có thể nằm ở hạ sườn (phải), hông (phải), quanh rốn.
Nguyên nhân gây viêm ruột thừa ở thai phụ?
* Tắc lòng ruột thừa (60%): do hệ thống lympho trong ruột thừa sưng to gây tắc nghẽn lòng ruột thừa.
* Nhiễm khuẩn và tắc nghẽn các mạch máu ruột thừa.
* Kết hợp cả hai nguyên nhân trên.
3. Triệu chứng lâm sàng
Triệu chứng lâm sàng trong 3 tháng đầu thời kỳ thai nghén:
Triệu chứng lâm sàng không có đặc điểm gì khác với người phụ nữ không có thai:
* Sốt, mạch nhanh, vẻ mặt nhiễm trùng.
* Đau vùng hố chậu phải.
* Nôn thường xuất hiện muộn hơn, có khi nhầm với triệu chứng nôn nghén trong giai đoạn đầu của thai kỳ.
* Dấu hiệu Mac Burney (dương tính), ấn bụng đau ở vùng hố chậu phải.
* Khám âm đạo: Tử cung lớn tương ứng tuổi thai, túi cùng phải không đầy, ấn đau.
Triệu chứng lâm sàng trong 6 tháng cuối thời kỳ thai nghén:
Do thai phát triển nhiều hơn 3 tháng đầu nên tử cung thường đẩy ruột thừa lên cao và ép ra ngoài thành bụng nên triệu chứng thường phức tạp, bệnh càng khó chẩn đoán.
* Sốt cao, mạch nhanh, bộ mặt mệt mỏi, da niêm mạc nhợt
* Đau thường ở cao hơn vị trí bình thường như trên mào chậu có khi vùng hạ sườn phải. Cơn đau quặn bụng càng lúc càng nặng nề hơn.
* Thường có rối loạn nhu động ruột như: ỉa chảy, táo bón, liệt ruột cơ năng.
Mặt khác, nội tiết tố nữ tăng cao trong thai kỳ làm giảm độ nhạy cảm của thành bụng dẫn đến khó chẩn đoán viêm ruột thừa ở phụ nữ có thai.
Tiến triển và tiên lượng
Đối với sản phụ
Nếu không được mổ kịp thời thì viêm ruột thừa cấp tính sẽ chuyển thành áp-xe ruột thừa hoặc viêm phúc mạc.
Viêm phúc mạc toàn thể do ruột thừa viêm vỡ mủ sau sẩy thai, sau đẻ thường nặng hơn do tử cung go hồi lại làm ổ mủ lan tỏa vào ổ bụng. Bệnh nhân thường bị vô sinh, thai ngoài tử cung do viêm nhiễm phần phụ thứ phát làm ảnh hưởng đến khẩu kính của hai vòi trứng.
Đối với thai nhi
Viêm ruột thừa có thể dẫn đến sẩy thai, đẻ non, thai chết lưu trong tử cung, nhiễm trùng nặng sơ sinh lúc đẻ.
Viêm ruột thừa trong lúc mang thai thường khó chẩn đoán, đặc biệt trong 6 tháng cuối của thai kỳ. Tuy nhiên do bệnh cảnh diễn tiến phức tạp cho nên cần chẩn đoán phát hiện sớm và giải quyết phẫu thuật để tránh được hậu quả xấu cho mẹ và thai do viêm ruột thừa cấp tính gây ra. Vì vậy, các mẹ bầu trong thời gian mang thai cần thường xuyên khám thai định kỳ, theo dõi sát sao sức khỏe tại các cơ sở y tế uy tín.